Hợp đồng thông minh và sự cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý

Nguyễn Việt Anh Lân - Khoa Luật Hành chính Nhà nước Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, sự tác động này khiến doanh nghiệp có nhiều thay đổi, ngày càng nhiều phát minh ưu việt thay thế cho sự lỗi thời, trong đó phải kể đến hợp đồng thông minh. Bài viết này phân tích khái niệm cũng như những đặc trưng cơ bản nhất của hợp đồng thông minh và nêu rõ sự cần thiết của một hành lang pháp lý cho hợp đồng thông minh và học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: VNEconicmics Academy
Ảnh minh họa. Nguồn: VNEconicmics Academy

Đặt vấn đề

Sự phát triển nhanh chóng công nghệ chuỗi khối (blockchain technology) mới nổi đã tạo điều kiện cho sự ra đời của hợp đồng thông minh (HĐTM) với nhiều tính năng nổi bật như: Các phương thức giao dịch được vi tính hóa; Thực hiện tự động các điều khoản của hợp đồng.

Ngoài những câu hỏi xoay quanh tính bảo mật và độ tin cậy cũng như tác động tiêu cực mà của công nghệ này có thể gây ra đối với các trung gian truyền thống thì cũng có những lo ngại không kém rằng các HĐTM sẽ gặp khó khăn đáng kể trong việc thích ứng với các khung pháp lý hiện hành điều chỉnh các hợp đồng giữa các khu vực pháp lý.

HĐTM đang là mối quan tâm không chỉ với những người yêu thích khoa học – công nghệ mà còn đối với cả những người trong lĩnh vực pháp lý. Theo Investopia: HĐTM là hợp đồng có khả năng tự thực hiện thông qua các điều khoản đã được mã hóa theo thỏa thuận giữa người mua và người bán. Mã lệnh và các thỏa thuận chứa trong đó, tồn tại trên một mạng lưới các chuỗi khối một cách phi tập trung. Các HĐTM cho phép các giao dịch đáng tin cậy và các thoả thuận được thực hiện giữa các bên một cách ẩn danh, riêng biệt mà không cần đến hệ thống pháp luật hoặc cơ chế thực thi bên ngoài. Ví dụ cụ thể: Máy bán hàng tự động là một hình ảnh về HĐTM. Khi người mua hàng nhập lệnh lựa chọn sản phẩm và đưa tiền vào khe nhận tiền, sản phẩm mà người khách mong muốn sẽ được tự động chuyển ra.

Hay như giả sử anh D có nhu cầu vận chuyển một lô hàng thủ công mỹ nghệ và sử dụng dịch vụ vận tải của công ty E. Tuy nhiên, anh D và công ty E không tin tưởng nhau. Anh D băn khoăn rằng liệu công ty E có bảo quản tốt hàng hóa và chuyển hàng tới cho khách hàng đúng thời hạn không? Công ty E thì đặt ra câu hỏi là liệu khi giao hàng đến nơi, anh B có thanh toán tiền vận chuyển đầy đủ và đúng hạn không? Để giải quyết những khúc mắc này, anh D và công ty E phải giao kết một hợp đồng thỏa thuận về việc vận chuyển hàng hóa, dẫn đến những phát sinh về dịch vụ tư vấn luật như soạn thảo hợp đồng, phòng ngừa các rủi ro pháp lý… Vì lẽ đó, câu hỏi đặt ra đó là “Có cách nào để đơn giản hóa quy trình thỏa thuận giữa anh D và công ty E?”

Trong trường hợp này, HĐTM có thể đóng vai trò là một giải pháp nhằm giải quyết câu hỏi được đặt ra ở trên. Khi hai bên tham gia giao kết một bản HĐTM, anh D chỉ cần xây dựng một mã lệnh thanh toán phí vận chuyển cho công ty E. Lệnh thanh toán này sẽ được mã hóa theo ngôn ngữ máy tính và chỉ được thực hiện khi công ty E hoàn thành nghĩa vụ chuyển hàng kèm theo sự xác nhận của khách hàng về việc nhận hàng. Thêm một bước tiến nữa, nếu ứng dụng hỗ trợ GPRS (General Packet Radio Service) được tích hợp vào HĐTM thì không cần tới sự xác nhận của khách hàng, tại thời điểm lô hàng đặt đúng vào vị trí kho hàng (cần được chuyển tới) thì khoản tiền thanh toán dịch vụ cũng tự động chuyển vào tài khoản của công ty E.

Với những ứng dụng như trên, HĐTM giúp giải quyết rất nhiều những rào cản trong hoạt động kinh tế hiện nay. Trước hết, do các HĐTM sử dụng mã phần mềm để tự động hoá những hoạt động mà trước đây thường phải thực hiện thủ công (như việc xác nhận đơn hàng) nên chúng có khả năng thúc đẩy tốc độ của quy trình kinh doanh. Bên cạnh đó, một ưu điểm cần phải kể đến của HĐTM đó là việc tối thiểu hóa sự tham gia của các bên thứ ba (bên trung gian) vào quá trình thực hiện hợp đồng.

Tổng quan về hợp đồng thông tin

Bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh

Hiện nay, trên thế giới có hai quan điểm lớn về mối quan hệ giữa HĐTM và hợp đồng truyền thông. Quan điểm thứ nhất cho rằng, HĐTM là một dạng của hợp đồng pháp lý và trong tương lai có khả năng thay thế hợp đồng truyền thống. Quan điểm này tiếp cận dưới lăng kính xem HĐTM như là một sự thể hiện mới, hiện đại của hợp đồng pháp lý. Trong thực tiễn, có một số cách để đạt được một thỏa thuận mà không cần theo mô hình đề nghị và chấp nhận. Đặc biệt, phải thừa nhận rằng, sự phát triển của thương mại điện tử đã đưa ra sự cần thiết phải khẳng định những cách khác nhau để tạo nên một hợp đồng.

Quan điểm còn lại cho rằng, HĐTM đơn thuần là một phương thức phụ trợ cho hoạt động thực hiện hợp đồng đã được thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp này, các bên đã có những thỏa thuận trước và HĐTM chỉ là một chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện chính xác các nội dung đã được thỏa thuận đó.

Như vậy, HĐTM có thể là một hợp đồng pháp lý và được điều chỉnh bởi Luật Hợp đồng tại Bộ Luật Dân sự 2015 nếu thỏa mãn các điều kiện về hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ rất rủi ro và gây nhiều thách thức cho các nhà lập pháp về việc quản lý và thực thi hợp đồng này. Bởi hợp đồng được xác lập và thực hiện hoàn toàn trực tuyến nên việc gian lận về hợp đồng, đánh cắp thông tin đặt ra một bài toán cần có lời giải đối với các nhà lập pháp và nhà quản lý.

Một cách tiếp cận có thể được xem là đơn giản hơn đối với loại hợp đồng đặc biệt này, đó là xem nó như một phương thức phụ trợ cho hoạt động thực hiện hợp đồng truyền thống. Đây chính là quan điểm pháp lý thứ hai. Trong trường hợp giải pháp HĐTM được sử dụng trong hợp đồng pháp lý, các yêu cầu về hợp đồng phải được xem xét. Các bên phải đồng ý sử dụng giải pháp HĐTM để thực hiện các điều khoản hợp đồng; nếu không, HĐTM không phải là một phần của hợp đồng pháp lý và do đó không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. HĐTM có tính ràng buộc về mặt pháp lý chỉ khi các bên đã đồng thuận với tất cả các yêu cầu thiết yếu cho việc giao kết hợp đồng.

Trình tự giao kết và thực hiện Hợp đồng thông minh

Về quá trình giao kết hợp đồng bao gồm đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Vấn đề đặt ra cho HĐTM là nếu tất cả thông tin đều được mã hoá trên chuỗi khối, thế thì sự đồng thuận của các bên khi họ đều là những tài khoản tham gia không thể xác định? Nếu đã bỏ qua yếu tố thỏa thuận của các bên thì HĐTM nên được xem xét như một hợp đồng thương lượng hay hợp đồng gia nhập?

Thứ nhất, về yếu tố thỏa thuận. Toàn bộ quá trình xác lập HĐTM đều thực hiện trên hệ thống mã hoá, tức là không có sự trao đổi trực tiếp bằng ngôn ngữ thông thường, nên việc có đảm bảo được bên chấp nhận đề nghị đã hiểu được đúng và đề nghị giao kết hợp đồng hay chưa cũng là vấn đề được đặt ra khi các thuật toán và dòng lệnh khá phức tạp. Có thể nói, HĐTM đã loại bỏ yếu tố thoả thuận, đàm phán của các bên.

Thứ hai, hủy bỏ HĐTM. Các điều khoản của HĐTM không thể bị sửa đổi bổ sung, và nếu phát sinh vấn đề không thể giải quyết trong quá trình giao kết, HĐTM cũng không thể bị hủy bỏ. Ở điểm này, đặc điểm nổi bật này của HĐTM cũng gây nên mâu thuẫn, khi đã bỏ qua “quyền huỷ bỏ hợp đồng” của các bên.

Các đặc trưng cơ bản của hợp đồng thông minh

HĐTM là sự kết hợp của nhiều tính năng vượt trội, mang lại những cải tiến so với hợp đồng truyền thống. Đương thời, rõ ràng là khả năng nhận dạng HĐTM sẽ chỉ phát triển theo thời gian. Tất nhiên, chúng sẽ không thay thế hoàn toàn các hợp đồng giấy truyền thống trong thời gian ngắn tới đây, nhưng HĐTM sẽ tạo ra thị phần không hề nhỏ trên thị trường, đặc biệt là khi mua hoặc trao đổi hàng hóa, dịch vụ và quyền.

Một là, tính độc lập với pháp luật và Chính phủ. HĐTM là sản phẩm từ Công nghệ chuỗi khối, không khó để nhận diện các loại HĐTM như: HĐTM Ethereum, HĐTM Binance hay HĐTM của Ada… tất cả các ví dụ này và các loại HĐTM nói chung đều độc lập với Chính phủ.

Hai là, tính phân tán và minh bạch. Việc tạo ra HĐTM mới giống như tạo một thư mục chung trên Google Drive –tất cả mọi thành viên đều biết những chỉnh sửa mới. Tuy nhiên, điểm khác biệt là HĐTM không chịu sự quản lý của bất kỳ đơn vị nào như khi sử dụng các máy chủ tập trung. Cũng nhờ điều này, thông tin và điều khoản được đảm bảo minh bạch trong khi hợp đồng truyền thống bị hạn chế đáng kể.

Ba là, tính tự động hóa và bảo mật thông tin. Vì là một chương trình máy tính được lập trình sẵn nên các hợp đồng thuộc dạng này có thể tự động thực hiện những tác vụ, giao dịch. Tất nhiên, chỉ khi các điều kiện đưa ra được thỏa mãn, kết quả mới được tạo ra. Đặc biệt, không một ai có thể thay đổi, điều chỉnh thông tin đã được thiết lập, tương tự như tính bảo mật của công nghệ chuỗi khối.

Bốn là, tính linh hoạt trong tùy chỉnh. HĐTM Blockchain và nhất là Ethereum có thể được tùy chỉnh, mã hóa theo nhiều cách khác nhau. Do đó, từ những thế hệ đầu, các nhà phát triển dễ dàng nâng cấp, cải thiện hoặc tạo ra nhiều sản phẩm “ăn theo” như ứng dụng phi tập trung (DApp), tiện ích mở rộng. Đây là một trong những lý do giúp HĐTM ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực tài chính, ngân hàng…

Năm là, không đòi hỏi bên sự tham gia của bên thứ ba. Sự có mặt của bên trung gian với vai trò xác thực tính hợp lệ của hợp đồng sẽ kéo theo chi phí hoặc các thủ tục liên quan khá “rườm rà”. Tuy nhiên, HĐTM đã giải quyết được vấn đề này. Những bên ký hợp đồng có thể tương tác, giao dịch mà chẳng cần biết hoặc “tin tưởng” nhau.

Thực trạng về hợp đồng thông minh tại Việt Nam

Thực tiễn hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về HĐTM. Để có thể đứng vững tồn tại độc lập và được thừa nhận về mặt pháp lý như một hợp đồng thực thụ, HĐTM vẫn sẽ gặp phải rất nhiều rào cản, mà cốt lõi ở đây chính là sự khác biệt giữa những quy định về hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành với phương thức vận hành của HĐTM.

Về giao kết hợp đồng thông minh

Tiềm năng của HĐTM là không giới hạn. Trong tương lai, HĐTM có thể được sử dụng từ các thỏa thuận nhỏ hàng ngày cũng như hợp đồng lớn cho chính phủ và doanh nghiệp. Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ sẽ biến blockchain và HĐTM trở thành một phần không thể thiếu cho nền tài chính thế giới nói chung và Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu thế đó.

Về mặt chủ thể

Cũng giống như hợp đồng truyền thống, HĐTM với tư cách là một hợp đồng đặc biệt, khi được Nhà nước trao cho một tư cách pháp lý, những lưu ý về mặt chủ thể là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, việc xác định và làm rõ các yếu tố về chủ thể của HĐTM có sự đặc thù so với các chủ thể thông thường bởi khi tham gia HĐTM, việc xác định liệu chủ thể có đủ tuổi khi xác lập giao dịch dân sự đối với HĐTM là điều khó khăn… Điều này có thể gây trở ngại cho các bên khi tham gia giao kết hợp đồng và việc kiểm soát quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về mặt hình thức

Không thể hoàn toàn đồng nhất HĐTM giống như một hợp đồng điện tử bởi suy cho cùng, cơ chế vận hành của hai loại hợp đồng này không hoàn toàn giống nhau. HĐTM hoạt động trong môi trường phi tập trung, không chịu bất kì sự quản lí nào, trong khi đó hợp đồng điện tử được thiết lập dựa trên các quy định chung của về Luật Hợp đồng tại Bộ Luật Dân sự 2015. Vì lẽ đó, việc tìm ra một tên gọi khác cho hình thức của hợp đồng dưới dạng HĐTM là một bài toán nan giải hoặc chỉ còn cách chờ đợi cho đến chừng nào cải thiện được công nghệ mà cho phép có sự tham gia quản lý của Nhà nước thì mới có thể “mạnh dạn” coi HĐTM là một hợp đồng điện tử.

Sự cần thiết của thừa nhận hợp đồng thông minh thành một chế định của pháp luật Việt Nam

Tính hợp pháp của các HĐTM là một điểm cần thảo luận khác khi chúng nằm ngoài hệ thống pháp luật của quốc gia. Nằm ngoài hệ thống pháp luật cũng có nghĩa là có xét đến yếu tố tội phạm, có thể xuất hiện dấu hiệu sử dụng công nghệ này cho các hoạt động bất hợp pháp.

Thứ nhất, về vấn đề có sự công nhận về giá trị pháp lý của những HĐTM. Hiện nay, pháp luật quy định gián tiếp về những vấn đề pháp lý liên quan đến HĐTM khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, điều kiện của một hợp đồng điện tử hay một giao dịch hợp pháp. Do vậy, vấn đề áp dụng HĐTM đang gặp nhiều trở ngại do HĐTM có thể khiến cho các doanh nghiệp đánh mất sự tự tin trong việc giao kết các HĐTM và các giao dịch thanh khoản có liên quan đến HĐTM. Để giải quyết thực trạng trên, pháp luật Việt Nam nên được khuyến nghị điều chỉnh theo hướng chính thức công nhận giá trị pháp lý của HĐTM.

Thứ hai, về việc đưa ra những hướng dẫn cụ thể để xác định tính hiệu lực của HĐTM. Sau khi được công nhận tính pháp lý, HĐTM cần có những quy định rõ ràng hơn về hiệu lực để có thể áp dụng vào thực tiễn xã hội. Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo cách xử lý của Hoa Kỳ và Ba Lan như ban hành các quy định về “Giấy chứng minh sự đồng thuận” hay Nhà nước cũng có thể tiếp tục nghiên cứu việc thành lập một cơ quan chuyên trách, thực hiện việc đăng ký, sử dụng giúp giới hạn và quản lý số lượng người tham gia HĐTM thay vì sử dụng “Giấy chứng minh sự đồng thuận” để bảo đảm tính bảo mật thông tin người dùng. Đối với điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch, mặc dù chưa có giải pháp cụ thể cho vấn đề này, tuy nhiên Chính phủ có thể phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ chất lượng cao để giải quyết vấn đề này.

Thứ ba, về việc cần thiết phải có những quy định cụ thể về vấn đề giao kết hợp đồng. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc điều chỉnh thời gian giao kết hợp đồng và xác định địa điểm giao kết hợp đồng. Việt Nam có thể tham khảo những quy định của pháp luật Thái Lan trong việc xác định thời điểm giao kết để có những bổ sung hợp lý đối với những quy định hiện hành. Hơn nữa, nên đưa ra những quy định cởi mở hơn để giải quyết vướng mắc liên quan đến địa điểm giao kết.

Thứ tư, cần quy định cụ thể hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng. Pháp luật Việt Nam nên nghiên cứu một cách cụ thể hơn để tìm ra những quy định thích hợp trong vấn đề thực hiện hợp đồng. Điểm mấu chốt để có thể tìm ra câu trả lời cho những vướng mắc, mâu thuẫn khi đi vào tìm hiểu bản chất của ứng dụng. Từ đó có thể đưa ra những quy định pháp luật cho vấn về hướng dẫn thực hiện HĐTM.

Thứ năm, cân nhắc hợp pháp hóa hình thức thanh toán bằng đồng tiền mã hóa. Trong các giao dịch của HĐTM, các bên giao dịch với nhau trực tiếp trên hệ thống, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý và giám sát của Nhà nước. Khi ban hành những quy định pháp lý về dòng tiền ảo hay tiền mã hóa sẽ giúp cho Nhà nước kiểm soát và quản lý chặt chẽ các nguồn thu và khi giải quyết những tranh chấp phát sinh trên nền tảng công nghệ số, tòa án sẽ không còn băn khoăn về hình thức bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm HĐTM như thế nào do Tòa án có thể sử dụng đồng tiền mã hóa là đối tượng được bồi thường.

Thứ sáu, bổ sung những quy định hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Xét ở một số khía cạnh liên quan đến vấn đề trên, Việt Nam có thể học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước và thực tế pháp luật hiện hành. Cụ thể:

- Về vấn đề xác định hình thức hợp đồng: Quy định hình thức của hợp đồng “bắt buộc phải bằng văn bản” sẽ đi ngược với những tiêu chí cập nhật, ổn định và lâu dài của pháp luật. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, quy định pháp luật của mỗi quốc gia khác nhau, nếu Việt Nam áp dụng theo cách này của các quốc gia trên thế giới có thể gây ra những rủi ro lớn đối với những giao dịch cần công chứng, chứng thực hay những giao dịch cụ thể liên quan đến tài sản thuộc sở hữu nhà nước cụ thể là đất đai.

- Về hiệu lực hợp đồng, giải quyết tranh chấp và giao kết hợp đồng. Các vấn đề trên có thể được giải quyết và tháo gỡ thông qua việc thành lập một HĐTM mẫu do cơ quan nhà nước ban hành, có sẵn những điều khoản cơ bản bao gồm các vướng mắc hiện hữu, có tính hợp pháp, bao gồm toàn bộ những vướng mắc nổi cộm hiện nay, có thể coi nó là một sự chỉ dẫn cụ thể cho cá nhân, doanh nghiệp tham gia sử dụng. Hợp đồng thông minh và sự cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý - Ảnh 1

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Bộ luật Dân sự 2015;
  2. Phan Vũ (2018), ”Hợp đồng thông minh và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 2018, số 08;
  3. Nguyễn Tuấn Quang, “Blockchain và hợp đồng thông minh đang thay đổi nền tài chính của chúng ta như thế nào?”, https://viblo.asia/p/blockchain-va-hop-dong-thong-minh-dang-thay-doi-nen-tai-chinh-cua-chung-ta-nhu-the-nao-naQZRXmq5vx;
  4. Vũ Thị Diệu Thảo (2018), “Hợp đồng thông minh: Bước nhảy vào thế giới viễn tưởng”, Tạp chí Tia Sáng, số 04;
  5. Beck, R., Czepluch, J.S., Lollike, N., and Malone, S.O. (2016), “Blockchain - The Gateway to Trust-free Cryptographic Transactions”, ECIS 2016 Proceeding.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023