HSBC điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng Việt Nam trong năm 2017 lên 6,6%
"Việt Nam đã tăng trưởng cao hơn mức kỳ vọng của chúng tôi. Trong quý III/2017, nền kinh tế tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc gần 7,5% so với năm ngoái trong khi quý trước đạt 6,4%”.
Con số này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2010 kinh tế Việt Nam vượt ngưỡng 7,5% nhờ hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp luôn tăng.
Lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và sản xuất nông nghiệp cũng thể hiện mạnh mẽ đã góp phần đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc. Với những số liệu thu thập trong khoảng thời gian gần đây, chúng tôi điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 lên 6,6% và tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng năm 2018 sẽ đạt 6,4%.
Giảm bớt áp lực cho các nhà làm chính sách: kết quả kinh tế quý III/2017 cũng phần nào làm nhẹ bớt áp lực cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do thời gian qua đã tung thêm nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế với những thách thức riêng.
Kinh tế quý IV/2017 sẽ duy trì đà tăng khi ngành sản xuất, du lịch, đầu tư FDI and ngành nông nghiệp đều duy trì kết quả hoạt động tốt. Trong xu thế hiện tại, chúng tôi kỳ vọng cả ngành du lịch và đầu tư FDI đều có kết quả vượt hơn năm ngoái.
Chỉ số PMI thể hiện kết quả rất tốt: Ngành sản xuất Việt Nam đã đóng góp mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thêm nữa, chỉ số PMI mới nhất thể hiện đà tăng này sẽ còn có thể cải thiện khi năm 2017 sắp sửa kết thúc. Chỉ số PMI tháng Chín đã tăng từ 51,8 điểm của tháng trước lên 53,3 điểm nhờ vào đơn đặt hàng mới và việc làm cao. Chính vì vậy, kết quả này càng củng cố quan điểm của chúng tôi rằng tăng trưởng của Việt Nam sẽ còn rất tốt cho đến cuối năm.
Giá dầu và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao đã đưa chỉ số lạm phát tăng trong hai tháng gần đây, kết thúc sáu tháng liên tục có giá cả bình ổn. Đáng chú ý, chi phí vận chuyển trong tháng Chín đã tăng từ mức 5,7% của tháng trước lên 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi phí chăm sóc sức khỏe đã tăng tốc chóng mặt (42,4% so với năm ngoái) do những cải cách trợ cấp chăm sóc sức khỏe của Chính phủ.
Các chuyên gia của HSBC cũng dự báo, chỉ số CPI toàn phần sẽ đạt mức trung bình 3,5% cho năm 2017 và cả 2018.
Chúng tôi rất bất ngờ
Các chuyên gia của HSBC đã dùng cụm từ “cảm giác tuyệt vời” để diễn tả việc Việt Nam đã tăng trưởng cao hơn mức kỳ vọng. Trong quý III/2017, nền kinh tế tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc 7,5% so với năm ngoái trong khi quý trước đạt 6,4%.
Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng đã đạt 6,4% so với mức 5,7% trong nửa đầu năm 2017 đưa kinh tế cả nước đến gần với mức tăng trưởng mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra cho năm 2017.
“Mặc dù chúng tôi đã nhận thấy tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm và có điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm từ mức 6% lên 6,2% trong báo cáo Kinh tế Châu Á hàng quý, nhưng kết quả quý III/2017 vẫn khiến chúng tôi rất bất ngờ. Việt Nam đã vượt qua kỳ vọng tăng trưởng của chúng tôi và 6,3% của Bloomberg”, các chuyên gia của HSBC chia sẻ trong báo cáo.
Và với những chỉ số thường kỳ thể hiện rất tốt, hiện tại, các chuyên gia của HSBC cho biết, một lần nữa điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,6% cho năm 2017.
Hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng là những động lực chính hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, do vòng xoay phát triển công nghệ mạnh trong quý II/2017 tiếp tục duy trì cho đến hết quý III/2017.
Xuất khẩu đã tăng 22% trong quý III/2017 so với cùng kỳ năm ngoái (mức tương tự như quý II/2017) nhờ vào hoạt động xuất khẩu mặt hàng điện thoại và các thiết bị điện tử tăng cao hơn trong khi sản xuất công nghiệp tăng từ 8% trong quý II.2017 lên 10% trong quý III/2017 so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên đáng kể kể từ nửa đầu năm nay cũng góp phần rất nhiều cho nền kinh tế phát triển.
Tổng hợp tăng trưởng kinh tế trong quý III/2017 cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam sẽ còn duy trì mức tăng trưởng tốt ngoại trừ ngành khai khoáng mỏ.
Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, những đóng góp của ngành sản xuất đối với tăng trưởng kinh tế đều tăng ổn định kể từ đầu năm và đạt mức tăng cao nhất trong vòng ít nhất 10 năm.
Kết quả này có được là nhờ vào tăng trưởng của ngành xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với mặt hàng quần áo, may mặc và điện tử.
Ngành dịch vụ cũng không ngừng góp phần tăng trưởng kinh tế nói chung, thể hiện tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng đang mạnh mẽ.
Các chuyên gia của HSBC cũng đánh giá, ngành du lịch, đầu tư FDI và nông nghiệp đang góp thêm cho tăng trưởng kinh tế
Năm nay ngành du lịch đặc biệt có kết quả rất tốt, từ đầu năm đến nay lượng khách đã tăng 30% so với cùng kỳ do số lượng khách đến từ châu Á và châu Âu tăng mạnh. Thực sự, Việt Nam hiện tại đang theo đuổi kế hoạch đón hơn 10 triệu du khách trong hai năm liền.
Kết quả này có được là nhờ chương trình miễn thị thực nhập cảnh mà Chính phủ Việt Nam đã dành cho năm quốc gia ở châu Ấu từ năm 2016 bao gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban nha và Anh. Không ngạc nhiên, lượng khách từ châu Âu đến Việt Nam đã tăng 21% từ đầu năm đến nay trong khi lượng khách đến từ châu Á tăng 35%. Du khách châu Á chủ yếu là người Trung Quốc (41%) và Hàn Quốc (24%) với lượng khách du lịch Hàn Quốc từ đầu năm đến nay đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái – điều này một phần phản ánh Việt Nam nhận được nhiều quan tâm đầu tư FDI từ các công ty Hàn Quốc.
Du lịch phát triển mạnh đã góp phần đưa ngành dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng, đặc biệt là phát triển mảng dịch vụ khách sạn, vận chuyển và dịch vụ ăn uống.
Trong khi đó, đầu tư FDI cũng tăng mạnh trong quý III/2017 và nguồn vốn này sẽ tiếp tục rót vào Việt Nam đến hết năm. Vốn đăng ký mới đầu tư FDI đã tăng 30% từ đầu năm đến nay và đạt 14,5 tỷ USD.
Nếu so sánh với năm 2016 vốn đăng ký mới đầu tư FDI chỉ đạt hơn 15 tỷ đô la, thì kết quả đầu tư năm nay sẽ có thể dễ dàng vượt qua kết quả năm ngoái khi còn một quý nữa mới kết thúc năm 2017. Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam cho đến thời điểm này, số vốn đăng ký của cả ba nước chiếm 70% tính cho đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, các công ty Hàn Quốc đứng đầu danh sách quốc gia có nhiều dự án FDI đã được phê duyệt với 594 dự án (32%), tiếp đến là Nhật Bản với 277 dự án (15%). Với xu hướng như hiện tại, chúng tôi kỳ vọng cả ngành du lịch và hoạt động đầu tư FDI sẽ vượt qua kết quả năm ngoái và duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Cuối cùng, lĩnh vực nông nghiệp của đất nước đã phục hồi tốt. Xuất khẩu gạo và rau tăng trưởng bình quân trên 50% trong quý III/2017 so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý IV/2017, trừ khi gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, để bù cho đợt hạn hán năm ngoái.
Giá lương thực dường như đã thoát đáy và điều này đã cải thiện thu nhập của người nông dân trong những tháng tới.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia của HSBC cho rằng, áp lực với nền kinh tế đang được giảm nhẹ.
Kết quả kinh tế quý III/2017 mạnh mẽ đã giúp giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ và NHNN, khi các cơ quan này đang áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế mà có thể làm trầm trọng thêm những thách thức của nền kinh tế.
Trong tháng Bảy, NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm phần trăm xuống còn 6,25%, cùng với việc đồng thời cắt giảm các mức lãi suất khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tháng Tám cũng kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng cá nhân.
Thêm vào đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% do Chính phủ đề ra trong năm nay (hoặc ít nhất là gần đạt được) sẽ làm cho Việt Nam khó có thể vượt quá mức giới hạn nợ so với GDP ở mức 65% do Quốc hội đề ra.