Nguồn vốn FDI dồi dào đầu năm và triển vọng tăng trưởng mạnh
2 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng lên đáng kể. Với những dự báo tích cực về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 cũng như môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, FDI được cho rằng có thể tiêp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Vốn FDI tăng 167,5% trong 2 tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch vàĐầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2016, Việt Nam đã thu hút được 291 dự án FDI cấp phép mới từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đăng ký đạt 1905,1 triệu USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 435,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia 233,2 triệu USD, chiếm 12,2%; Hàn Quốc 202,4 triệu USD, chiếm 10,6%; Nhật Bản 160,6 triệu USD, chiếm 8,4%...
Đồng thời, có 137 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung vốn với 898,3 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 2803,4 triệu USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015. FDI 2 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 1995 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 210,6 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành còn lại đạt 597,8 triệu USD, chiếm 21,3%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, hiện nay cả nước có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 242,4 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Giang với 206,1 triệu USD, chiếm 10,8%; Bắc Ninh là 200,6 triệu USD, chiếm 10,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu là 157,1 triệu USD, chiếm 8,2%; TP. Hồ Chí Minh là 155,9 triệu USD, chiếm 8,2%...
Kỳ vọng tăng trưởng
Môi trường kinh doanh ổn định là một tiền đề không thể thiếu để quyết định đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế trên thế giới, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam từng nhận định, Việt Nam đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và vẫn sẽ thu hút nhiềuvốn FDItrong năm 2016 và dự báo đầu tư sẽ đóng góp tỷ lệ cao hơn vào tăng trưởng so với năm 2015 nhờ lượng vốn FDI được giải ngân cho các dự án sẽ tiếp tục tăng.
Xác định FDI vẫn là một yếu tố không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam, nhiều biện pháp nhằm tăng cường thu hút các dự án FDI sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội mà hội nhập mang lại cũng như nâng cao hiệu quả thu hút FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có chiến lược phát triển hợp lý, phát huy được lợi thế cạnh tranh để có thể đáp ứng được nhu cầu và khả năng hợp tác của các doanh nghiệp FDI cũng như độc lập, đứng vững trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.