HSBC: Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn khả quan!
HSBC đánh giá, triển vọng của Việt Nam vẫn khả quan, nhờ vào các thế mạnh của lĩnh vực sản xuất và các khu vực thiên về xuất khẩu.
Tình hình nhìn chung khả quan
Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2017 của HSBC, chỉ số PMI thấp hơn trước không đáng lo ngại khi các chỉ số thường kỳ khác như thương mại và bán lẻ vẫn thể hiện tăng trưởng mạnh. Cũng như mọi khi, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ hơn khu vực trong nước. Trong khi đó, cầu nội địa duy trì ở mức khá cao.
Bên cạnh đó, bổ sung cho tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán xe hơi – một chỉ số hữu dụng đối với xu hướng chi tiêu nội địa – đã tăng trung bình 12,4% so với cùng kỳ năm – mặc dù thuế và phí cao đã triệt tiêu tác dụng của thuế quan được dỡ bỏ và khiến cho giá xe tăng lên.
Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng hồi phục mạnh mẽ do có vốn từ các ngân hàng, khối đầu tư nước ngoài và người mua là người Việt Nam sống ở nước ngoài. Hà Nội đạt tăng trưởng 14% giao dịch thành công trong tháng 5 so với tháng trước trong khi doanh số bán căn hộ đang tăng (5% so với cùng kỳ tháng trong tháng 4).
Báo cáo cũng nhìn nhận, lạm phát giảm dần nhưng có xu hướng tăng đối với giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi việc điều chỉnh trợ giá trong lĩnh vực này đang diễn ra.
Trước động thái này, nhà nước cung cấp trợ giá thông qua việc áp giá có trợ giá cho tất cả mọi người bao gồm cả những người có khả năng kinh tế và những người lựa chọn không tham gia vào chương trình bảo hiểm sức khỏe quốc gia. Nhưng hiện nay, những người không tham gia chương trình nào sẽ phải trả toàn bộ chi phí điều trị ở mức không trợ giá.
“Giá thực phẩm đi xuống đang giữ mức lạm phát chững lại. Nhưng chúng tôi không kỳ vọng một biện pháp nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng tín dụng đang mạnh”. – chuyên gia HSBC nói.
Xuất khẩu gia tăng ở mức 25%
Cũng theo báo cáo của HSBC, PMI của tháng 5 giảm so với tháng 4 nhưng thương mại và bán lẻ vẫn thể hiện tốt.
Về chỉ số PMI, mặc dù các điều kiện hoạt động của khu vực sản xuất vẫn tiếp tục cải thiện trong tháng 5, có khả năng chỉ số này sẽ giảm xuống trong những tháng tới. Với chỉ số PMI toàn phần đạt 51,6 (giảm từ mức 54,1 của tháng trước), tốc độ tăng trưởng đạt mức thấp nhất từ tháng 3 năm 2016. Các chỉ số phụ cũng bớt khả quan khi cả sản lượng và đơn hàng mới đều tăng trưởng ở tốc độ chậm hơn.
Đơn hàng xuất khẩu mới đặc biệt suy giảm nhiều. Tương tự, mặc dù các công ty tiếp tục tuyển người tháng thứ 14 liên tiếp, tốc độ tăng trưởng công việc ở mức thấp nhất từ tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng tăng nhẹ khi sản xuất giảm, và tăng trưởng đơn hàng mới yếu hơn dẫn tới gia tăng hàng thành phẩm tồn kho.
Về thương mại, báo cáo của HSBC cho biết, hoạt động tại các thị trường nước ngoài rất khả quan. Thậm chí trong một môi trường toàn cầu có nhiều bất ổn, xuất khẩu vẫn gia tăng ở mức 25% so với cùng kỳ năm trong tháng 5, trong khi tăng trưởng tháng trước đó được điều chỉnh lên 21,8% (ban đầu được báo cáo ở mức 16%).
Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh 28% (so với cùng kỳ năm) so với mức 17,2% của tháng trước đó, trong khi khu vực trong nước tăng 18,3%, tăng từ mức 9,7% của tháng 4. Xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ tùng thay thế - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng trưởng ở mức 39,8% so với cùng kỳ năm (tháng trước là 43%) do việc ra mắt một sản phẩm mới.
Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu cũng mạnh ở mức 26,8% so với cùng kỳ năm trong tháng Năm, đẩy cán cân thương mại vào tình trạng thâm hụt.
Theo Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (trên Bản tin thương mại Thái Lan, 1/6/2017), thâm hụt thương mại đang ở mức chưa đáng lo vì Việt Nam đang phải nhập khẩu các mặt hàng như máy móc thiết bị, đồ điện tử, máy tính và linh kiện, thép, nhựa và hóa chất thường được sử dụng trong các quy trình sản xuất.
Về bán lẻ, mặc dù chỉ số PMI đã yếu đi trong tháng 5, khu vực nội địa vẫn vững vàng trong suốt tháng, thể hiện qua sự tăng trưởng tốt về doanh số bán lẻ với mức tăng trong tháng 5 đạt 13,1% so cùng kỳ năm, từ mức 13,5% của tháng trước. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sau khi điều chỉnh theo lạm phát trong suốt tháng đạt 9,9% so cùng kỳ năm, từ mức 9,2% của tháng trước.
Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt
Theo báo cáo này, chỉ số CPI tiếp tục hạ nhiệt với việc lạm phát trong tháng 5 ở mức 3,2% so cùng kỳ năm, giảm từ mức 4,3% của tháng trước. Gia tăng chi phí trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chiếm hơn 90% trong tổng rổ giá cả tăng. Mặc dù vậy, giá cả của dịch vụ y tế và bệnh viện được dự trù tiếp tục tăng, theo công bố của Bộ Y Tế vào giữa tháng 5 về việc điều chỉnh giá sẽ chưa có hiệu lực từ tháng 6.
"Theo lộ trình điều chỉnh giá mới, Hà Nội và 29 tỉnh thành sẽ áp dụng các mức giá điều chỉnh từ tháng 8, TP. Hồ Chí Minh và 14 tỉnh thành khác sẽ triển khai từ tháng 10 và 18 tỉnh thành còn lại sẽ triển khai từ tháng 12.
Theo đó, các chi phí kiểm tra y tế, điều trị nội trú, chi phí xét nghiệm và chi phí cho các dịch vụ khác liên quan đến bệnh viện được dự báo sẽ tăng từ 2 đến 4 lần tùy thuộc vào cấp bệnh viện nơi bệnh nhân được tiếp nhận điều trị.
Ngược lại, tăng giá trong lĩnh vực vận tải đã hạ nhiệt xuống còn 8,1% so cùng kì năm từ mức 11,1% so cùng kì năm trong tháng 4, khi các mức giá dầu Brent tính trung bình thấp hơn 3,8% so với tháng trước.
Giá thực phẩm cũng không đổi giúp cho lạm phát nhìn chung vẫn được kiểm soát. Tương tự như xu hướng lạm phát toàn phần, lạm phát cơ bản hiện ở mức 1,3% so cùng kỳ năm (từ mức 1,5% của tháng trước)". - báo cáo nhìn nhận.
Cũng theo báo cáo này: “Triển vọng của Việt Nam vẫn khả quan, nhờ vào các thế mạnh của lĩnh vực sản xuất và các khu vực thiên về xuất khẩu. Nhưng các chỉ số cơ bản của PMI tháng 5 bớt khả quan hơn so với trước đây cho thấy khả năng suy giảm trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, đang có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể sẽ hồi phục. Ví dụ như, theo khảo sát PMI, một số nhà sản xuất đã đề cập đến gia tăng tồn trữ đầu vào, ngụ ý rằng họ dự trù lực cầu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”.