Hứng “quả đắng” vì cả tin vào đối tác ngoại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Có khá nhiều doanh nghiệp Việt phải hứng “quả đắng” trong tranh chấp thương mại với đối tác ngoại do kinh doanh không bài bản, không nắm rõ các điều khoản khi đàm phán hợp đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với đối tác nước ngoài trong các giao dịch thương mại tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây.

Riêng giai đoạn 2008 – 2014, VIAC đã giải quyết 539 vụ kiện, trong đó số vụ kiện về hợp đồng mua bán chiếm tỷ lệ hơn 60%. Tranh chấp không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về giá trị.

Còn hiện nay, VIAC chỉ thụ lý khoảng 150 vụ việc mỗi năm, trong khi một thẩm phán của một tòa án nhân dân mỗi năm thụ lý hơn 100 vụ việc tranh chấp hợp đồng cũng như các tranh chấp khác.

Lơ là đàm phán hợp đồng

Có một thực tế là các DN Việt Nam chưa có thói quen sử dụng trọng tài thương mại mà thường chọn tòa án, đồng thời, các DN cũng chưa tin tưởng vào năng lực của các trọng tài trong nước.

Trở lại câu chuyện một số DN chế biến, xuất khẩu gỗ thuộc dạng nhỏ ở Đồng Nai (điển hình là công ty TNHH Gia Hân) đòi nợ đối tác là công ty Global Home S.R.O, giới chuyên gia nhận định các DN chế biến, xuất khẩu gỗ này đã chịu thiệt thòi ngay từ lúc ký kết hợp đồng, phải chấp nhận nhiều điều khoản bất cập để có được đơn hàng xuất khẩu từ phía công ty Global Home S.R.O.

Một phần nguyên nhân, như lý giải của ông chủ công ty Gia Hân là do các DN quá cả tin vào tên tuổi của vị Tổng Giám đốc công ty này là ông Roelof Willem Otto De Jager (chồng của nữ ca sĩ Thu Minh) và tin vào danh tiếng của ca sĩ Thu Minh. Ngay chính ca sĩ Thu Minh cũng cho rằng nguyên cớ mà phía công ty Gia Hân đưa ra thật ấu trĩ, làm ăn lụn bại là phải, bởi vì “tin mà ký hợp đồng” thì chết chắc.

Đó cũng là “căn bệnh” chung của không ít DN nhỏ hiện nay khi tỏ ra “ngây thơ” trong quá trình đàm phán hợp đồng. Điều này có thể khiến các DN Việt sẽ “tiền mất tật mang” không đủ khả năng và lợi thế theo đuổi trong các vụ kiện.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, luật sư Nguyễn Thị Diệu Hiền (Giám đốc công ty luật DH Law) lưu ý các DN Việt vẫn chưa xây dựng được thói quen mời luật sư tham gia ngay từ khâu đầu tiên trong việc kinh doanh cũng như khi đàm phán hợp đồng.

Hơn nữa, theo luật sư Hiền, kỹ năng đàm phán hợp đồng của nhiều DN Việt còn yếu (nhất là đàm phán hợp đồng bằng tiếng Anh). Tình trạng này cũng phần nào cho thấy các DN trong nước vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho hội nhập.

Càng non nớt càng thua thiệt

Đơn cử như một điều khoản trong hợp đồng giữa một số DN gỗ ở Đồng Nai với công ty Global Home S.R.O có nêu rằng nếu hai bên xảy ra tranh chấp trong quá trình hợp tác thì sẽ được giải quyết tại Toà Trọng tài ở Hồng Kông và vận dụng pháp luật của Vương quốc Anh.

Xu hướng sai lầm hiện nay là thường lựa chọn một bên đàm phán thứ ba là trọng tài thương mại thay vì chọn tòa án của một trong hai quốc gia mà DN có pháp nhân ở đó.

Vấn đề là làm ăn tại Việt Nam thì xử theo luật Việt Nam, vì sao lại đưa nhau qua tận Hồng Kông, nhờ nước ngoài phân xử? Điều này có phải là sự non nớt trong đàm phán hợp đồng của một số DN nhỏ như công ty Gia Hân.

Nói như luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (công ty luật Vilex Law Firm), đa số DN Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho các tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, khi gặp rủi ro, nhiều DN thường chấp nhận phần thua thiệt.

Qua các vụ kiện thương mại thời gian qua, theo ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch VIAC, có nhiều DN làm ăn lâu đời thì có kinh nghiệm hơn. Hợp đồng của họ tương đối cẩn thận, lường trước nhiều phát sinh trong thực tiễn, hay khi trục trặc thì có hướng xử lý, khi tranh chấp có cơ chế rõ ràng. Họ có bộ máy làm việc có năng lực và làm ăn bài bản.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo ông Trần Hữu Huỳnh, nhiều DN chưa thực sự bài bản khi kinh doanh. Đôi khi họ chỉ chú trọng đến khâu tìm đối tác mà chưa điều tra về đối tác. Hợp đồng ký kết còn sơ sài, quy định trừu tượng. Vì thế, khi xảy ra sự việc, họ không hiểu và các bước thực hiện không cụ thể nên quá trình theo kiện kéo dài.

Liên quan đến việc tranh chấp thương mại, cho đến nay, Công ước của Liên hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương (CIGS) đã trở thành một trong các công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất, với 78 thành viên (bao gồm Việt Nam).

Các vụ kiện có dẫn chiếu CIGS liên quan đến rất nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu, từ hàng công nghiệp đến nông nghiệp, hàng phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng.

Với các DN Việt, các vấn đề thường xảy ra tranh chấp liên quan đến việc tính toán thiệt hại và bồi thường thiệt hại, xác định vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng, xác định sự không phù hợp của hàng hoá. Nhưng liệu có bao nhiêu DN Việt biết đến CIGS, đây vẫn là một câu hỏi lớn.