Sẽ "khai tử" 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư dự kiến sẽ giảm từ 267 ngành nghề hiện nay xuống còn 214.
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra, khi ông trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh.
Một trong những nội dung quan trọng của dự Luật này là tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và chuẩn hóa tên gọi của một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Theo Bộ trưởng, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao cải cách quan trọng của Luật Đầu tư về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, nhưng cho rằng số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn khá lớn, trong đó có một số ngành, nghề không thật sự cần thiết hoặc đặt ra điều kiện không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi.
Mặt khác, việc thực hiện quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh cũng gặp một số vướng mắc, lúng túng do có sự không thống nhất trong cách hiểu về nội hàm cũng như cách thức áp dụng của điều kiện kinh doanh. Điều này một phần là do những cải cách về điều kiện kinh doanh còn hết sức mới mẻ, chưa có trải nghiệm thực tế, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự thiếu rõ ràng trong quy định về điều kiện kinh doanh cũng như mối quan hệ giữa điều kiện kinh doanh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành.
Về chính sách sửa đổi cụ thể, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trước hết dự án Luật dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với hiện hành.
Bộ TNMT kiến nghị bỏ 6 ngành nghề
Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị loại bỏ ngành nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn.
Bộ GTVT kiến nghị loại bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Còn Bộ Xây dựng kiến nghị bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về định giá bất động sản. Bộ TTTT kiến nghị bỏ ngành nghề nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện.
Bộ Công Thương kiến nghị bỏ dịch vụ gia công, tái chế, sửa chữa, làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài.
Bộ NNPTNT kiến nghị bỏ 3 ngành nghề: Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản; kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước; kinh doanh củi than từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.
Bộ VHTTDL cũng kiến nghị bỏ 3 ngành nghề: Sản xuất phim; kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội; kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Bộ TNMT kiến nghị bãi bỏ 6 ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai; kinh doanh dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai; kinh doanh dịch vụ thoát nước; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; kinh doanh dịch vụ thu hồi, vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng đề xuất bổ sung 14 ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện, như kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim; hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; hoạt động dịch vụ tư vấn du học; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…
Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, như sửa đổi khái niệm “đầu tư”, bổ sung khái niệm “điều kiện kinh doanh” và “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hơn nội hàm của các khái niệm này.