Bộ Tài chính:
Hướng dẫn lập kế hoạch vay trả nợ và viện trợ nước ngoài cho địa phương
Trong hai ngày 16 và 17/7/2019, Hội nghị “Hướng dẫn lập kế hoạch vay, trả nợ và viện trợ nước ngoài của chính quyền địa phương” đã được Bộ Tài chính tổ chức tại Vĩnh Phúc.
Hội nghị nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch vay, trả nợ và rà soát kế hoạch sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ dành cho chính quyền địa phương. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) và các đại diện đến từ 25 tỉnh thành phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết: “Xuất phát từ yêu cầu tiếp tục triển khai triệt để quy định của Luật Quản lý nợ công, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, để chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch vốn năm 2020 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị này với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tập trung hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác lập kế hoạch vay, trả nợ của địa phương, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch vốn đối với các chương trình, dự án có sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ của Chính phủ”.
Theo quy định của Luật quản lý nợ công, Luật ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư công, trong khoảng thời gian từ tháng 7 hàng năm các đơn vị dự toán, trong đó có các địa phương phải chuẩn bị công tác lập kế hoạch và dự toán NSNN, xây dựng kế hoạch vay, trả nợ cho các năm tiếp theo, đồng thời tập trung vào dự toán cho năm kế hoạch liền kề gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.
Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và của chính quyền địa phương đều phải lập kế hoạch sử dụng vốn theo các quy định hiện hành và đảm bảo có kế hoạch, có dự toán để giải ngân theo đúng nguyên tắc mọi khoản chi của ngân sách nhà nước đều phải có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Trương Hùng Long cho biết, trong công tác quản lý nợ công thời gian qua, Bộ Tài chính thấy rằng các Bộ, ngành, địa phương còn chưa chú trọng đến công tác lập kế hoạch vay, trả nợ của địa phương; chưa có đầu mối thống nhất quản lý nợ ở địa phương. Tình trạng lập kế hoạch thiếu, thừa, hoặc không đúng đối tượng sử dụng, không đáp ứng yêu cầu về thời gian còn khá phổ biến, dẫn đến khi triển khai các địa phương gặp khó khăn vướng mắc, trong khi việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và dự toán lại mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đồng thời không đáp ứng được các quy định của hiệp định vay nước ngoài, phải kéo dài thời gian rút vốn, làm tăng chi phí vay nợ. Đây là một trong số nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn và làm chậm tiến độ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi.
“Vì vậy, việc lập kế hoạch và giao kế hoạch vốn sát với tiến độ triển khai dự án, phù hợp với các quy định của Hiệp định vay nước ngoài là hết sức cần thiết”, ông Long cho biết.
Từ thực tế đó, tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính đã giới thiệu về công tác lập kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương; hướng dẫn lập kế hoạch giải ngân vốn ODA,vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho chính quyền địa phương. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã thảo luận về vướng mắc của địa phương trong công tác lập kế hoạch vay trả nợ đối với phần vốn nước ngoài; rà soát, trao đổi số liệu về kế hoạch vốn nước ngoài giai đoạn 2020-2022…
Các vướng mắc, khó khăn của địa phương đã được đại diện Bộ Tài chính giải đáp tại Hội nghị. Trên cơ sở trao đổi giữa Bộ Tài chính với các địa phương cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong công tác lập kế hoạch, các địa phương tiếp tục hoàn thiện báo cáo chi tiết về kế hoạch vốn nước ngoài để gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán chung năm 2020 để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét phê duyệt trước tháng 8/2019.
Sau Hội nghị này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị “Hướng dẫn lập kế hoạch vay, trả nợ và viện trợ nước ngoài của chính quyền địa phương” tại khu vực miền Nam và miền Trung. Bộ Tài chính mong muốn thông qua các Hội nghị này, những đơn vị liên quan đến công tác lập, giao kế hoạch ở địa phương như UBND, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, các sở, cơ quan chủ quản dự án cũng như các Ban quản lý dự án nắm được quy trình lập, giao dự toán, có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác lập dự toán. Đồng thời, đây cũng là dịp để kết nối giữa các địa phương và Bộ Tài chính, cụ thể là Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trong công tác quản lý nguồn vay nợ nước ngoài của Chính phủ nói chung.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ Tài chính đã tổ chức Toạ đàm với 6 nhà tài trợ nước ngoài lớn, Hội nghị trực tuyến với các địa phương để trao đổi, thảo luận và xác định những nguyên nhân của giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi chậm ở từng khâu nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả của nguồn vốn NSNN trong đó có vốn vay từ nước ngoài. Các Hội nghị, Tọa đàm đã giúp Bộ Tài chính nắm bắt được thực tế để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.