Hiệu quả quản lý nợ công đóng góp vào cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình nợ công năm 2018 của Bộ Tài chính chiều ngày 7/6/2019, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khẳng định, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động, và trả nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2018 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát trong giới hạn cho phép
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2018, các chỉ tiêu nợ công được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, nợ công năm 2018 được kiểm soát ở mức 58,4%/GDP, thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép (65%/GDP); nợ Chính phủ 50,0%/GDP, thấp hơn mức 54%/GDP Quốc hội cho phép; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 15,9%/thu ngân sách, thấp hơn mức cho phép 25%/thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài quốc gia là 46%/GDP, thấp hơn mức 50%/GDP được Quốc hội cho phép.
Nhằm tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hợp lý, các kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ đã được đa dạng hóa, tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên (chiếm trên 90% tổng khối lượng huy động, tăng mạnh so với mức 70,5% năm 2017), kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân duy trì ở mức cao là 12,7 năm.
Kết quả trên đạt được có sự đóng góp không nhỏ từ nỗ lực đảm bảo Luật Quản lý nợ công được thực hiện đúng thời hạn hiệu lực. Bộ Tài chính đã kịp thời soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành toàn bộ các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và các Thông tư hướng dẫn đúng thời hạn hiệu lực của Luật; khẩn trương triển khai công tác phổ biến tuyên truyền quy định của Luật, hướng dẫn của các Nghị định nhằm đưa Luật Quản lý nợ công kịp thời đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, công tác điều hành chính sách tài khóa đã đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với dự toán khoảng 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.
Việc kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn đã dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài...
Hiệu quả trong công tác quản lý nợ công đã đóng góp vào cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Tháng 4/2019, S&P nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên mức BB với triển vọng Ổn định; Tháng 8/2018, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực; Tháng 5/2018, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực vào tháng 5/2019.
Tiếp tục phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nợ công cũng chịu tác động bởi nhiều thách thức. Trong đó, việc Việt Nam tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế) kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn.
Mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 59,2% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2018), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 4 loại tiền chủ đạo gồm SDR, JPY, USD và EUR, là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua...
Do đó, để tiếp tục quản lý hiệu quả nợ công, Bộ Tài chính chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn...