Hướng dẫn phân loại hương liệu dùng trong thực phẩm
Trước vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong việc phân loại mặt hàng hương liệu dùng trong thực phẩm, Tổng cục Hải quan cho biết, tùy theo các thành phần, hàm lượng các chất cho trong sản phẩm tạo nên các công dụng, mặt hàng này có thể phù hợp vào nhóm 33.02 hoặc 21.06.
Phân tích cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, nhóm 33.02 gồm hỗn hợp các chất thơm và các hỗn hợp (kể cả dung dịch cồn) với thành phần chủ yếu gồm một hoặc nhiều các chất thơm này, dùng làm nguyên liệu thô trong công nghiệp, các chế phẩm khác làm từ các chất thơm, dùng cho sản xuất đồ uống. Nhóm 21.06 gồm các chế phẩm thực phẩm chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác.
Như vậy, tùy theo các thành phần, hàm lượng các chất cho trong sản phẩm tạo nên các công dụng như chất tạo hương, chất dinh dưỡng, vi lượng, khoáng chất, chất mang, chất pha loãng, chất điều vị… để xác định hàng hóa thuộc nhóm nào.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tham khảo Chú giải chi tiết HS, ngoài các đề cập khác, về cơ bản, hương liệu thực phẩm thuộc nhóm 33.02 và nhóm 21.06 được phân biệt như sau:
Hương liệu thực phẩm thuộc nhóm 33.02 có thành phần gồm các chất tạo hương và có thể có chất mang hoặc chất pha loãng, trong đó có các chất mang, pha loãng có thể có giá trị dinh dưỡng nhưng với tỉ lệ, mục đích sử dụng không tạo dinh dưỡng cho sản phẩm tạo thành. (Nhóm này có thuế NK từ 5 đến 10%).
Hương liệu thực phẩm thuộc nhóm 21.06 có thành phần gồm chất tạo hương và các thành phần khác được sử dụng trong thực phẩm, là một số các nhóm chất như: hỗn hợp các chất điều vị (muối, mì chính, chất ngọt tổng hợp, các loại gia vị như tiêu, ớt…), hỗn hợp các chất bổ sung vi lượng (khoáng, vitamin…), hỗn hợp của 2 hoặc nhiều chất (chất dinh dưỡng, chất tạo vị, chất bổ sung). Trong đó, các chất khác chất tạo hương có thể có các công dụng như điều vị, bổ sung vi lượng, dinh dưỡng cho sản phẩm tạo thành. (Nhóm này có thuế NK từ 5 đến 25%).