Hướng dẫn phân loại mặt hàng đá xây dựng và đá ốp lát

PV.

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 7469/TCHQ-TXNK trả lời Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về việc phân loại mặt hàng đá xây dựng và đá ốp lát.

Ảnh: Minh họa; Nguồn: Internet.
Ảnh: Minh họa; Nguồn: Internet.

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 2642/HQHCM-TXNK ngày 14/09/2020 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo vướng mắc trong việc phân loại mặt hàng đá xây dựng và đá ốp lát.

Trả lời những vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 7469/TCHQ-TXNK để giải đáp. Cụ thể, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 09/2014/TT-BTC ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2019. 

Đồng thời, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện tham khảo Chú giải chi tiết HS Chương 25 và Chương 68, cụ thể: Trường hợp mặt hàng đá, có nguồn gốc từ đá bazan hay đá granit, ở dạng khối hoặc đã đẽo thô hay mới chỉ cắt bằng cưa hoặc cách khác, thành khối hoặc tấm hình chữ nhật (kể cả hình vuông), không phải dạng là đá lát, đá lát đường, đá lát lề đường, phiến đá lát đường hoặc tương tự thì thuộc nhóm 25.16.

Trường hợp mặt hàng là đá tự nhiên (trừ đá phiến) được gia công thành các dạng thường dùng hoặc dễ nhận biết để làm đá lát, đá lát vỉa hè, đá lát lề đường, phiến đá lát đường hoặc tương tự thì thuộc nhóm 68.01. 

Trường hợp mặt hàng là đá tự nhiên làm tượng đài hoặc đá dùng trong xây dựng (trừ đá phiến) bao gồm các loại đá đã được gia công hơn mức xẻ, cắt thô, cắt, cưa thành các khối, tấm, phiến, hình vuông (bề mặt hình vuông hoặc hình chữ nhật): như qua công đoạn đập bằng búa, đẽo bằng búa chim, búa răng hoặc đục..., mài bằng cát, nghiền, đánh bóng, vát cạnh,... (trừ sản phẩm thuộc nhóm 6801) thì thuộc nhóm 68.02. 

Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào hàng hóa thực tế, tài liệu kỹ thuật, đối chiếu với hướng dẫn nêu trên để xác định mã số chính xác cho các mặt hàng.