Trường hợp nào được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất?

M. Hà

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quỹ phát triển đất tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP và Nghị định số 104/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương đều đề xuất việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các trường hợp đang được hưởng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Các bộ, ngành, địa phương đều đề xuất việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các trường hợp đang được hưởng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Theo Bộ Tài chính, qua tổng hợp kiến nghị, đề xuất của 68 bộ, ngành, địa phương, thì về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đều đề xuất việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các trường hợp đang được hưởng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật về đất đai năm 2013, nhưng chưa được quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương có đề xuất việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các trường hợp khác ngoài các trường hợp đã Bộ Tài chính tiếp thu trình Chính phủ tại dự thảo Nghị định.

Tuy nhiên, qua rà soát thì chưa có đủ cơ sở để quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các trường hợp này; hoặc các nội dung kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai, Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ.

Đề xuất 2 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất

Căn cứ đề xuất của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị định quy định các trường hợp khác được miễn tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai như sau:

Một là, miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Hai là, miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các trường hợp được miễn, giảm tiền thuê đất

Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Nghị định quy định rõ các trường hợp khác được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai như sau:

Một là, miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp (bao gồm: Hội sở chính, Sở giao dịch, Trung tâm đào tạo, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Phòng giao dịch thuộc Chi Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh), trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Việc miễn tiền thuê đất được thực hiện đối với Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đáp ứng mục tiêu hoạt động không vì mục đích lợi nhuận theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, miễn, giảm tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại giao cho đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà lựa chọn thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Đất đai năm 2024.

Ba là, miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể: (i) Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với các dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

(ii) Miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; Miễn tiền thuê đất 11 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư; Miễn tiền thuê đất 5 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 10 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa.

(iii) Danh mục dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư và doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là, miễn, giảm tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà bị thiên tai, hỏa hoạn.

Cụ thể: (i) Trường hợp thiệt hại dưới 40% sản lượng, được xét giảm tiền thuê đất theo tỷ lệ % tương ứng với tỷ lệ % thiệt hại; (ii) Trường hợp thiệt hại từ 40% trở lên thì được miễn tiền thuê đối với năm bị thiệt hại.

Năm là, thực hiện giảm 50% tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, nhưng phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ.

Sáu là, miễn, giảm tiền thuê đất đối với đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các huyện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Cụ thể như sau: (i) Giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với đơn vị sử dụng lao động có mức tỷ lệ (%) sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số từ 30% đến dưới 50%; (ii) Miễn tiền thuê đất trong năm đối với đơn vị sử dụng lao động có mức tỷ lệ (%) sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số từ 50% trở lên.

Bảy là, miễn, giảm tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.

Cụ thể như sau: (i) Miễn tiền thuê đất trong năm đối với đơn vị sử dụng lao động có mức tỷ lệ (%) Sử dụng lao động là người khuyết tật 70% trở lên; (ii) Giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với đơn vị sử dụng lao động có mức tỷ lệ (%) sử dụng lao động là người khuyết tật từ 30% đến dưới 70%.

Tám là, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức miễn, giảm tiền thuê đất cụ thể đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa có dự án xã hội hóa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, nhưng không thuộc dự án được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai...

Đồng thời, quy định nguyên tắc thực hiện việc miễn, giảm; trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc kiểm tra, xác định việc đáp ứng các tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định của cơ sở thực hiện xã hội hóa và việc xử lý trong trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng được các điều kiện để được miễn, giảm theo quy định.

 

Theo Bộ Tài chính, quy định tại dự thảo Nghị định với mục tiêu: (i) Cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và kế thừa các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 tại các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được áp dụng ổn định trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành (ngày 01/8/2024); (ii) Bổ sung, hoàn thiện một số nội dung về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quỹ phát triển đất để làm rõ hơn, cụ thể hơn và giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP, Nghị định số 104/2024/NĐ-CP để các cơ quan chức năng thuộc địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện; không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai nói riêng và số thu ngân sách nhà nước nói chung.