Hướng tới 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử
(Tài chính) Nghị quyết 19/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016 đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho cơ quan thuế. Muốn hoàn thành nhiệm vụ này, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ngành thuế phải áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở “level 4”
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Muốn thực hiện được các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP, trong đó có việc giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, ngoài việc phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật; quy trình nghiệp vụ quản lý thuế thì bắt buộc phải ứng dung CNTT ở mức tối đa. Chỉ có như vậy mới có thể tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, năm 2014 ngành thuế đã giảm, đơn giản hóa được khá nhiều thủ tục hành chính rồi, thưa ông?
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này, trong vòng 1 năm qua, ngành thuế đã giảm được 53 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 262 thủ tục. Nhưng số lượng thủ tục vẫn còn nhiều và phức tạp, ảnh hưởng tới thời gian của người nộp thuế.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2015 vẫn còn tới 432 thủ tục, trong đó ở cấp Tổng cục Thuế còn 4 thủ tục, cấp cục thuế còn 246 thủ tục và cấp chi cục thuế còn 182 thủ tục.
Ngoài ra, còn 24/60 quy trình quan trọng về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về thuế… chưa được sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, đầy đủ và đảm bảo quán triệt đầy đủ các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, chế độ mới và những quy định về cải cách thủ tục hành chính thực sự đi vào cuộc sống.
Muốn tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, như ông nói ngành thuế phải ứng dụng CNTT ở cấp độ 4 (level 4). Vậy ứng dụng CNTT ở cấp độ 4 cụ thể là gì?
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua (ngày 31/3/2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong năm 2015 và 2016, ngành thuế phải cắt giảm tối thiểu 10% thủ tục hành chính và đơn giản hoá tối thiểu 20% thủ tục cần thiết. Các thủ tục còn lại phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu, chậm nhất là đến 30/9/2015, ngành thuế phải ứng dụng CNTT ở cấp độ 4 mới có thể giảm thiểu thời gian, chi phí cho người nộp thuế, kể cả cá pháp lẫn pháp nhân.
Ứng dụng CNTT ở cấp độ 4 có nghĩa là cơ quan thuế phải tiếp nhận hồ sơ, chứng từ điện tử qua mạng Internet và phải trả chứng từ qua mạng Internet.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là gì, thưa ông?
Cả nước hiện có khoảng 488.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã có trên 90% đã đăng ký kê khai thuế điện tử, tuy nhiên chỉ có khoảng 41.800 doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử (chiếm 8,5%). Mục tiêu đặt ra là trong thời gian tới phải có 90% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Việc ứng dụng CNTT đối với khu vực thể nhân và kinh doanh cá thể vẫn còn khá hạn chế. Chính vì vậy, thực hiện ứng dụng CNTT ở cấp độ 4, trong năm nay, ngành thuế phải làm sao để hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, 72.000 người có nhà cho thuê, 2 triệu người nộp thuế trước bạ và trên 16 triệu hộ/cá nhân nộp thuế phi nông nghiệp có thể khai qua mạng Internet và tiến tới nộp thuế điện tử để ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào.
Doanh nghiệp phản ánh việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay vẫn còn khá phiền phức, mất nhiều thời gian. Thưa ông, vậy có áp dụng CNTT cấp độ 4 trong hoàn thuế GTGT?
Bình quân mỗi năm cơ quan thuế nhận khoảng 22.000 bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT. Mục tiêu đặt ra là làm sao phải hoàn thuế GTGT đúng chế độ, chính sách và đúng thời gian quy định là không quá 6 ngày kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp hậu kiểm và không quá 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế nhận đủ hồ sơ đối với trường hợp tiền kiểm.
Muốn làm được buộc phải ứng dụng CNTT trong nhận hồ sơ, trả hồ sơ qua mạng Internet; bộ hồ sơ chứng từ hoàn thuế GTGT phải làm sao đơn giản nhất theo đúng thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện hoàn thuế thuận lợi nhất, nhanh nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng phải ngăn chặn được gian lận thương mại, lợi dụng chính sách thông thoáng, khuyến khích để trục lợi trong hoàn thuế GTGT.
Hoàn thuế GTGT luôn là câu chuyện thời sự khi mà doanh nghiệp cho rằng thủ tục hoàn thuế còn phiền hà, phức tạp trong khi ngành thuế luôn phải đối diện với tình trạng chiếm đoạt ngân sách nhà nước qua việc hoàn thuế?
Hiện cả nước có trên 700 chi cục thuế, 63 cục thuế, quản lý trên 22.000 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT/năm nên tình trạng chiếm đoạt tiền thuế, thời giản hoàn thuế không bảo đảm thời gian vẫn xảy ra.
Chính vì vậy, như tôi nói là cần phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu và công khai cơ sở dữ liệu này cơ quan thuế có thể để biết chính xác hôm nay nhận được bao nhiêu hồ sơ hoàn thuế, giải quyết được bao nhiêu hồ sơ đúng hạn, bao nhiêu quá hạn mà chưa giải quyết.
Khi làm được điều này thì không chỉ có cơ quan thuế mà doanh nghiệp và xã hội có thể biết được tại thời điểm nào đó còn bao nhiêu hồ sơ, bao nhiêu hồ sơ đúng/sai.