Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn: Bảo tồn và tận dụng nguồn tài nguyên
Đứng trước vấn đề môi trường nhức nhối hiện nay, vấn đề tái sử dụng, tái chế rác thải, chất thải mang lại lợi ích hài hòa về mặt kinh tế và môi trường thông qua một chu trình sản xuất tuần hoàn đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh về vấn đề này.
Gắn bảo vệ môi trường với lợi ích doanh nghiệp
Phóng viên: Kinh tế tuần hoàn dường như là một khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Ông có thể cho biết nền kinh tế tuần hoàn là gì và tại sao nên thực hiện mô hình này trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Có thể hiểu đơn giản, nền kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế sử dụng tối đa các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng, tái chế vật liệu, hướng tới đưa lượng chất thải xuống mức 0. Hiện tại, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tuyến tính, nơi hàng hóa dùng hàng ngày sản xuất từ nguyên liệu được sử dụng và bị thải loại sau đó.
Với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, các hoạt động tái thiết kế, tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất được tận dụng để kéo dài tuổi thọ, cũng như giá trị sử dụng của vật chất. Do đó, chúng ta sẽ bảo tồn và tận dụng được các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Những giá trị tạo ra cho doanh nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn là gì, thưa ông?
Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Sản xuất theo nguyên lý tuần hoàn không giống xử lý cuối đường ống như xử lý khí thải, nước thải... Các hệ thống xử lý cuối đường ống làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi.
Do vậy, xử lý cuối đường ống, luôn làm tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, sản xuất theo nguyên lý tuần hoàn mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm.
Không chỉ vậy, nhờ sử dụng các sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trên thị trường. Khi ấy, doanh nghiệp không chỉ có một sản phẩm, mà có thể thu được thêm một vài sản phẩm qua quá trình tái chế, từ đó tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.
Mặt khác, nền kinh tế tuần hoàn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn. Ở các nước phát triển, các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường ISO:14000, mặc dù có thể có giá thành cao hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng vẫn được người dân ưa thích sử dụng do họ có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường.
Việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp phải những thách thức gì?
Đầu tiên, có thể nói nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức được bản chất cũng như cơ hội mà mô hình này mang lại.
Chính vì vậy, họ chưa sẵn sàng ứng dụng nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn vào sản xuất. Hơn nữa, quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần có công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng nguồn lực hiệu quả, đó là điều các doanh nghiệp còn thiếu.
Thành lập thị trường nguyên liệu
Vậy chúng ta thiếu các điều kiện như thế nào để doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn, thưa ông?
Trước hết là về mặt nhận thức. Hiện, chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp trong nước, thường là các tập đoàn, công ty lớn thực sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cốt lõi chiến lược và chương trình hoạt động. Còn lại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường.
Hơn hết, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận việc sản xuất theo nguyên lý tuần hoàn là việc làm thực sự cần thiết, vì lợi ích phát triển của chính doanh nghiệp mình, từ đó để đầu tư nguồn lực, sẵn sàng đón nhận cơ hội mà nền kinh tế tuần hoàn đem lại.
Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích cho các doanh nghiệp.
Là đại diện của VCCI, ông có thể cho biết về phía VCCI có những giải pháp nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn?
VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam đã vạch định rất rõ lộ trình trong thời gian tới. Đầu tiên, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ về nền kinh tế tuần hoàn cũng như lợi ích của mô hình này mang lại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cố gắng xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, bằng việc mời những doanh nghiệp có sáng kiến tốt về nền kinh tế tuần hoàn để chia sẻ kinh nghiệm.
Hơn nữa, trong Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam, chúng tôi dự định thành lập một thị trường nguyên liệu, để các doanh nghiệp có thể mua bán nguyên liệu triển khai cho nền kinh tế tuần hoàn.
Chẳng hạn, một công ty có nhu cầu về nhựa có thể mua sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng của một công ty khác để chế biến thành dầu… Đó là một trong số những ví dụ điển hình để có thể thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Thêm vào đó, việc tôn vinh các doanh nghiệp có sáng kiến kinh doanh mới theo hướng nền kinh tế tuần hoàn cũng sẽ được chúng tôi đồng thời triển khai từ năm nay trở đi thông qua Bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!