Hóa giải thách thức phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường
Theo các chuyên gia, phát thải khí nhà kính do con người tạo ra gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường... Chính vì vậy, để hóa giải thách thức phát thải khí nhà kính cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.
Theo ông Mark Radka - Chuyên gia về năng lượng và khí hậu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), phát thải khí nhà kính do con người tạo ra gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Nếu con người không có hành động khí hậu mạnh mẽ, các tác động này sẽ ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.
Các nhà khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng, sự nóng lên toàn cầu 2°C sẽ bị vượt quá trong thế kỷ 21. Hơn nữa, việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 sẽ “ngoài tầm với” trừ khi việc giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác được thực hiện nhanh chóng và sâu rộng trong những thập kỷ tới.
Thực tế cho thấy, CO2, metan và oxit nitơ là những khí nhà kính chính đáng lo ngại. CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm và oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm.
Trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2, trong khi oxit nitơ mạnh gấp 280 lần. Sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt cũng tác động trực tiếp tới nhiệt độ của trái đất.
Mặt khác, việc khai thác dầu khí, khai thác than và bãi chôn lấp rác thải chiếm 55% lượng khí metan do con người gây ra. Phân hủy phân và trồng lúa cũng gây phát thải khí metan trong ngành nông nghiệp. Hay như khí thải oxit nitơ do con người gây ra phần lớn phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp. Vi khuẩn trong đất và nước chuyển đổi nitơ thành oxit nitơ một cách tự nhiên, nhưng việc sử dụng phân bón và thải ra ngoài sẽ làm tăng thêm quá trình này bằng cách đưa nhiều nitơ vào môi trường hơn...
Những yếu tố trên đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe con người và môi trường. Để hóa giải những thách thức trên và hạn chế việc phát thải khí nhà kính trong thời gian tới, cần trồng nhiều cây xanh; nâng cao ý thức tiết kiệm điện; sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường như đi xe điện, đi xe đạp.
Cùng với những giải pháp trên là đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe con người và khí quyển trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay.