Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học với Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho mỗi quốc gia mà còn trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu cho ngân sách và dự trữ quốc gia thông qua hoạt động xuất khẩu nông sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển cho thấy, các nước này đều có xuất phát điểm phát triển kinh tế - xã hội dựa vào nông nghiệp, sau đó từng bước hướng nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Trong quá trình đó, các quốc gia này đã thực hiện tốt chính sách huy động và sử dụng nguồn lực tài chính để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, có giá trị kinh tế cao.

Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp trên thế giới

Thực tiễn cho thấy, những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển thường có cách thức huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp. Kinh nghiệm của một số quốc gia dưới đây là minh chứng.

Israel

Israel có diện tích hẹp, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tổng quỹ đất ở Israel được phân chia như: Rừng 5,7%, đồng cỏ 40,2%, canh tác 21,5%, sa mạc và sử dụng vào những mục đích khác 32,6%. Các khu vực canh tác chủ yếu ở Israel là đồng bằng ven biển phía Bắc, khu vực đồi núi bên trong lãnh thổ và thung lũng Jordan. Địa hình đa dạng thích hợp để trồng nhiều loại cây khác nhau, song không thuận lợi để trồng cây nông nghiệp vì quỹ đất canh tác hẹp. Tuy nhiên, Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ở Israel, trong sản phẩm nông nghiệp có tới 95% là ứng dụng khoa học và chỉ có 5% là lao động thủ công.

Hiện nay, ở Israel có khoảng 80% hoạt động nông nghiệp được sở hữu và điều hành bởi các cộng đồng hợp tác sản xuất nông nghiệp là Kibbutz và các Moshav; 20% còn lại thuộc về các Moshava và các làng Arab. Các mô hình hợp tác sản xuất nông nghiệp này đã tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Mặc dù, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng Chính phủ Israel đã triển khai hàng loạt chính sách thu hút, sử dụng nguồn lực tài chính đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để tạo ra các sản phẩm với số lượng và chất lượng tốt. Thực tế, ở Israel, trong sản phẩm nông nghiệp có tới 95% là ứng dụng khoa học và chỉ có 5% là lao động thủ công. Với sự đầu tư phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Israel đã minh chứng cho thế giới thấy rằng, yếu tố tự nhiên không còn “quyết định tuyệt đối” đối với phát triển nông nghiệp, bởi thực tế “60% sản lượng nông sản xuất khẩu của Israel là xuất phát từ sa mạc”.

Nguồn lực tài chính đầu tư vào phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung tại Israel gồm có: Ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn từ tổ chức địa phương, nguồn đầu tư nước ngoài, từ doanh nghiệp (DN) tư nhân và bản thân người nông dân. Các nguồn lực tài chính này được sử dụng chủ yếu để phát triển nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp đặc trưng... giúp nền nông nghiệp Israel có được sự phát triển vượt bậc như ngày nay.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhằm đảm bảo lương thực cho người dân, những năm 70 của thế kỷ XX, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển nông thôn chuyên sâu theo cách “Nhất thôn, nhất phẩm” (Mỗi thôn có một sản phẩm).

Trung Quốc huy động nguồn vốn phục vụ cho nông nghiệp từ ngân sách của Chính phủ, tư nhân và từ nước ngoài. Những nguồn vốn này được thể hiện thông qua các chính sách miễn, giảm thuế cho nông nghiệp; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp bằng trợ giá; chính sách miễn giảm thuế cho các DN đầu tư vào nông nghiệp; chính sách mở rộng mạng lưới tín dụng và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển nông nghiệp.

Đối với chính sách giảm và miễn thuế nông nghiệp, năm 2004 để nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua chính sách giảm và miễn thuế nông nghiệp. Nhờ những chính sách này, nông dân Trung Quốc đã giảm được các khoản đóng góp tương đương hơn 20 tỷ Nhân dân tệ/năm (khoảng 2,41 tỷ USD) để có điều kiện cải thiện cuộc sống và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Trung Quốc còn thực hiện chính sách trợ cấp trực tiếp cho nông dân. Hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 14 tỷ Nhân dân tệ trợ cấp cho nông dân; đồng thời, đầu tư tài chính cho nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp tổng thể trên quy mô lớn. Nguồn vốn chính được tập trung để xây dựng các công trình thủy lợi, hạ tầng giao thông nông thôn… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguồn lực tài chính cũng được tập trung để đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư tài chính cho khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp là một chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng chi NSNN để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về giống cây trồng, vật nuôi, trợ giá lương thực, mua sắm thiết bị và máy móc nông nghiệp. Trung Quốc chuyển từ hình thức hỗ trợ gián tiếp cho nông dân thông qua khâu lưu thông, bán sản phẩm trên thị trường sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng cách bù phần chênh lệch khi giá bán trên thị trường thấp hơn so với mức giá bảo hộ của Nhà nước. 

Cùng với việc tăng cường đầu tư NSNN cho phát triển nông nghiệp, Trung Quốc đã đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua các chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với mục đích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện tình trạng giao thông khu vực nông thôn.

Để thu hút nguồn vốn đầu tư của tư bản nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều đoàn kêu gọi xúc tiến đầu tư ở: Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU... Nguồn vốn thu hút từ đầu tư nước ngoài chủ yếu được sử dụng phát triển công nghệ sinh học để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, áp dụng công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị; an toàn vệ sinh của sản phẩm sau thu hoạch.

Có thể nói, với những cải cách trong chính sách phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư phát triển nông nghiệp bằng hệ thống chính sách tài chính mở, thu hút nhiều nguồn vốn từ khu vực tư nhân đã giúp cho nền nông nghiệp Trung Quốc có những thay đổi rõ rệt, đặc biệt là đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời góp phần quan trọng vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào tăng GDP của đất nước.

Thái Lan

Trong những thập niên gần đây, nông nghiệp Thái Lan đóng vai trò quan trọng, góp phần to lớn vào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chất lượng cuộc sống và an ninh lương thực. Vì thế, Chính phủ Thái Lan đã xác định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp là xây dựng nền nông nghiệp có chất lượng cao và có sức cạnh tranh mạnh.

Thái Lan huy động nguồn lực tài chính cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu thông qua khoản đầu tư và chính sách ưu đãi cho nông nghiệp của Chính phủ, các khoản hỗ trợ ODA cho nông nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ các DN xây kho dự trữ nông sản ở nước ngoài… Các chính sách ưu đãi của Chính phủ và nguồn NSNN hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp như chính sách trợ giá cho nông dân, chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, các chính sách bảo hiểm nông nghiệp và đầu tư vốn ngân sách qua tín dụng nông nghiệp…

Thái Lan thực hiện trợ giá cho nông dân trên các lĩnh vực nông sản chủ yếu như: gạo, cao su, trái cây… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và hợp tác nông nghiệp Thái Lan (BAAC) cho nông dân vay vốn chi trả phí bảo hiểm và Chính phủ Thái Lan sẽ chi trả một phần phí bảo hiểm thay cho nông dân nhằm giảm thiểu rủi ro, như lũ lụt, hạn hán. Chương trình bảo hiểm nông nghiệp không chỉ giảm gánh nặng của Chính phủ trong bù đắp thiệt hại của nông dân mà còn thúc đẩy nông dân tự quản trị rủi ro.

Thái Lan thực hiện việc đầu tư vốn NSNN qua hình thức tín dụng. Chính phủ có biện pháp để ngân hàng thương mại cho nông dân vay nhiều hơn mức quy định là 5%. Ngân hàng có chương trình đặc biệt như cho vay tín dụng bằng hiện vật, vay vật tư với chất lượng tốt theo giá rẻ… Tất cả những ưu đãi đó đều có sự chi phối bởi nguồn vốn NSNN. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng thực hiện chương trình “Quỹ Làng”, nghĩa là mỗi làng sẽ nhận được 1 triệu Baht từ Chính phủ để cho dân làng vay mượn. Trên thực tế đã có trên 75.000 ngôi làng ở Thái Lan được nhận khoản vay này.

Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh mở cửa thị trường thích hợp để thu hút đầu tư mạnh mẽ của nước ngoài cho nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm. Để phục vụ cho mục tiêu này, Chính phủ Thái Lan khuyến khích, hỗ trợ thành lập các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế, phù hợp với từng vùng thổ nhưỡng. Kiên trì tuyên truyền, vận động người dân học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác bảo hiểm xã hội, giải quyết tốt vấn đề về vốn và nợ, thiết lập các hệ thống đảm bảo rủi ro cho nông dân...

Những kết quả đạt được đó trong chính sách phát triển nông nghiệp hàng hoá lớn ở Thái Lan đã cho thấy được tầm quan trọng của chính sách huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp. Điều này đã thể hiện rõ nét thông qua giá trị xuất khẩu mặt hàng nông sản gia tăng trong các năm qua,vị trí đứng đầu trong quốc gia xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ có tổng diện tích khoảng 9.161.923 km2, trong đó diện tích đất có thể canh tác chiếm 18,1%. Tính đến năm 2014, Hoa Kỳ có 2,1 triệu nông trại, mỗi nông trại có diện tích khoảng 174 ha. Trình độ năng lực sản xuất, quản lý kinh doanh nông nghiệp của Hoa Kỳ luôn đứng đầu thế giới. Nông nghiệp Hoa Kỳ được biết đến với khả năng sáng tạo sản phẩm mới và xuất khẩu ra thế giới.

Hoa Kỳ thực hiện chính sách “Lấy công bù nông”, tức là hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp có các hạng mục phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như xây dựng đường sá, cầu cống, điện lực phục vụ phát triển nông thôn và cải thiện đời sống nông dân.

Trong sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa và tập trung cao độ. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều nguồn lực để phát triển, trong đó có chính sách thu hút nguồn lực tài chính cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm của chế độ tài chính nông nghiệp Hoa Kỳ là Chính phủ luôn coi trọng và không ngừng ban hành các phương pháp sử dụng mới trong nông nghiệp, tích cực hỗ trợ việc thiết lập các điều kiện kinh tế khách quan cho sự phát triển tổ chức tín dụng nông nghiệp. 

Hoa Kỳ thực hiện chính sách “Lấy công bù nông”, tức là hỗ trợ cho các DN công nghiệp có các hạng mục phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như xây dựng đường sá, cầu cống, điện lực phục vụ phát triển nông thôn và cải thiện đời sống nông dân. Những DN có các chương trình phục vụ nông nghiệp như kỹ thuật nông nghiệp, thông tin trên các phương tiện kênh đại chúng chuyên về giá cả thị trường hàng nông sản trong và ngoài nước đều được Nhà nước hỗ trợ.

Nhà nước thực hiện ưu đãi thuế cho nông dân. Hàng năm có 25% chủ trang trại được miễn giảm thuế thu nhập, 50% chủ trang trại được hưởng mức thuế thấp 15%, còn lại 5% chủ trang trại và chủ nông trường lớn nộp thuế như quy định. Xăng dầu dùng cho sản xuất nông nghiệp đều được bán với giá ưu đãi. Đây là nhân tố thúc đẩy và khơi dậy tính tích cực của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ nguồn lực tài chính cho nông nghiệp còn phải kể đến nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài chính tư doanh, hệ thống hợp tác tín dụng nông nghiệp và tổ chức tín dụng nông nghiệp của Chính phủ trong hệ thống tài chính nông nghiệp cho nông dân vay vốn đầu tư vào máy móc, kỹ thuật trong sản xuất. Nguồn lực tài chính này chủ yếu để các chủ nông trại và nông dân đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật cơ giới hóa các quá trình canh tác, sử dụng máy móc thay thế cho sức người và sức gia súc.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ thực tiễn huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp của các quốc gia, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Về chính sách huy động vốn

Thứ nhất, đối với nguồn vốn trong nước có thể được huy động từ nhiều nguồn khác nhau nhưng NSNN là nguồn vốn chủ yếu. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể huy động thêm nguồn vốn từ DN tư nhân, các hợp tác xã nông nghiệp, các quỹ phát triển tại địa phương… hay từ chính nguồn tự có của người nông dân. Chính phủ có thể thông qua các chính sách ưu đãi cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp, chế biến hay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn để khuyến khích DN đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn như ở hầu hết các nước; cho vay tín dụng; huy động vốn nhàn rỗi từ trong nước thông qua bảo hiểm nông nghiệp (kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Israel - những nước sử dụng nguồn lực tài chính trong nước để phát triển nông nghiệp).

Thứ hai, đối với nguồn lực tài chính từ nước ngoài: Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để kêu gọi đầu tư, viện trợ… từ Chính phủ và các tổ chức, DN nước ngoài tương tự như: Trung Quốc đã thành lập nhiều đoàn kêu gọi xúc tiến đầu tư nước ngoài…; Thái Lan sử dụng nguồn vốn ODA cho nông nghiệp…

Thứ ba, căn cứ vào quy hoạch phát triển nông nghiệp để xác định những lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Việc xác định đúng lĩnh vực ưu tiên phát triển sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, tránh đầu tư tràn lan, phân tán nguồn vốn.

Về chính sách sử dụng nguồn lực tài chính

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách thuế, bảo hiểm, tín dụng… để khuyến khích tập trung tích tụ ruộng đất nhằm tăng quy mô canh tác, năng suất, đồng thời tăng giá trị sản xuất của đất.

Thứ hai, ưu tiên đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế ở các nước có nền nông nghiệp phát triển (Hoa Kỳ, Israel, Thái Lan) đã minh chứng rõ cho điều này. Mặc dù, khối lượng xuất khẩu hàng nông sản không quá lớn so với các nước khác, nhưng giá trị của các mặt hàng nông sản rất cao, đem lại lợi thế canh tranh và giá thành cao. Vì thế, trong quá trình phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, cần nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và chất lượng của mỗi loại nông sản để tạo ra những mặt hàng nông sản có giá trị cao và khả năng cạnh tranh lớn.

Thứ ba, cần có chính sách bảo hộ hợp lý cho các mặt hàng nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định, cam kết mang tính quốc tế và khu vực. Trên thực tế, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp gồm 2 loại: hỗ trợ trong nước và hỗ trợ xuất khẩu. Trong bối cảnh chuyển từ nền sản xuất nhỏ sang nền sản xuất lớn với rủi ro cao, để có thể phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đòi hỏi những hộ nông dân phải có nguồn tài chính lớn, đa dạng. Trong thực tế, nguồn vốn này chủ yếu có được từ NSNN còn các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng chưa đủ đáp ứng được nhu cầu.

Thứ tư, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nông dân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng sản xuất quy mô lớn, hiện đại, đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho nông nghiệp. Người nông dân sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà phải có tri thức khoa học, kiến thức thị trường, kỹ năng quảng bá sản phẩm và khả năng đề ra chiến lược sản xuất dài hạn. 

Thứ năm, cần có cơ chế tài chính dành riêng cho các mô hình kinh tế đặc thù trong nông nghiệp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển. Có thể tham khảo các mô hình nông nghiệp đặc trưng như: Israel là kibbutz (Kibbutz hay còn gọi là kibbutzim là đơn vị nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng chuyên canh tập trung); Trung Quốc là “nhất thôn, nhất phẩm”; Thái Lan là “mỗi làng một sản phẩm”...

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Ngọc Hoà (2008), Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;

2. Hà Nam (2017), Kinh nghiệm phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Thái Lan, Tạp chí Cộng sản;

3. Nguyễn Hoàng Sa (2014), Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Thái Lan và Trung Quốc bài học đối với Việt Nam hiện nay, www.hoavang.danang.gov.vn;

4. Các loại hình tài chính hỗ trợ phát triển "tam nông" tại một số quốc gia, Tạp chí Tài chính số 8/2012;

5. Tùng Bùi (2017), Điểm tin nước Mỹ thúc đẩy phát triển nông nghiệp. http://www.shidler.hawaii.edu/vemba.