Huy động USD trong dân: Huy động bằng cách nào?

Theo bizlive.vn

Trong thời gian gần đây, vấn đề làm sao để huy động USD trong dân một lần nữa lại được làm “nóng” khi Tổ công tác Chính phủ hối thúc Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương sớm huy động nguồn lực này.

Đã đến lúc Việt Nam thay đổi chính sách lãi suất cho đồng USD. Nguồn: Internet
Đã đến lúc Việt Nam thay đổi chính sách lãi suất cho đồng USD. Nguồn: Internet
Trong bối cảnh Mỹ liên tục tăng lãi suất đồng USD trong khi tình hình trong nước cũng bắt đầu ổn định, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất huy động USD lúc này là hợp lý.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã đến lúc Việt Nam thay đổi chính sách lãi suất cho đồng USD, bởi chúng ta đang đi ngược xu hướng.
“Thực ra chúng tôi đã từng có rất nhiều phản biện chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0 bởi đây là một một trong những chính sách cực đoan. Nó cực đoan ở chỗ lấy mục tiêu là một đồng tiền duy nhất, không gửi ngoại tệ mà chỉ mua bán. Với chính sách này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ hội tăng mua vào ngoại tệ với giá rẻ, đó là một thành công thực sự, dự trữ ngoại hối đã tăng lên hàng chục tỷ USD mà không làm biến động tỷ giá”.
“Tuy nhiên, khi đã mua vào một lượng ngoại tệ đủ lớn và ổn định thì tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tăng lãi suất huy động, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đã tăng tới 3 lần”, ông Phong nói.
Theo chuyên gia, nếu Việt Nam không có động thái nào, xu hướng tiêu cực sẽ nảy sinh, đó là khả năng ngoại tệ từ Mỹ sẽ không về nữa trong khi ngoại tệ trong nước lại chảy vào Mỹ.
“Bằng chứng rất đơn giản là đến cuối năm ngoái, kiều hối về Việt Nam chỉ ở mức hơn 9 tỷ USD so với năm kia là 13,5 tỷ USD, tức là chúng ta đã mất khoảng gần 1/3 lượng kiều hối. Nếu tiếp tục duy trì thì tình trạng nhập siêu, rồi dự nợ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh sẽ gây áp lực ngoại tệ rất lớn”, chuyên gia nhận định.
Vậy nên huy động USD bằng cách nào? Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, có hai cách là tăng lãi suất huy động hoặc bán trái phiếu Chính phủ.
“Nếu tăng lãi suất, tôi cho rằng, mức lãi suất huy động USD tối thiểu phải bằng Mỹ hoặc cao hơn khoảng 0,25% mới đủ hấp dẫn. Hoặc cách tốt hơn là chúng ta có thể bán trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ. Thay vì ra nước ngoài bán trái phiếu với mức lãi khoảng 7% thì chúng ta có thể phát hành ngay trong nước với mức chỉ 3% là đã đủ hấp dẫn người dân”.
Về lo ngại đô la hoá nền kinh tế nếu tăng lãi suất huy động USD, chuyên gia cho rằng, khả năng này không phải là không có, đặc biệt là nếu đẩy lãi suất lên mức quá cao.
“Mức lãi suất là bao nhiêu, chúng ta cần phải có tính toán kỹ lưỡng, để vừa thu hút được nguồn USD vừa để cho người dân vẫn cảm thấy cầm đồng VND có lợi hơn USD. Đồng thời, cần có các biện pháp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, lướt sóng ngoại tệ”, ông Phong nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đã đến lúc tăng lãi suất huy động USD.
“Tôi cho rằng, chính sách lãi suất USD 0% của chúng ta đã rất phát huy hiệu quả trong việc chống đô la hoá. Tuy nhiên, khi trên thị trường thế giới, lãi suất đồng USD đã tăng khá nhiều lần như hiện nay thì việc chúng ta thay đổi chính sách là điều hợp lý để thu hút nguồn lực”. TS. Hiếu nói.
Tuy vậy, chuyên gia cho rằng, mức tăng lãi suất không bắt buộc phải theo tốc độ của Mỹ nhưng ít nhất phải ở mức 0,5%, Nếu chúng ta tăng lãi suất quá mạnh, thị trường có thể sẽ đón nhận cú sốc mạnh và cho rằng sẽ có biến động về tỷ giá vàng càng găm giữ đồng USD.