Huy động USD trong dân bằng cách nào
Giới ngân hàng và các chuyên gia khuyến nghị nên tăng lãi suất huy động USD trở lại, thay vì mức 0% để huy động nguồn lực trong dân.
Cách nào để huy động nguồn lực USD trong dân một lần nữa được đại diện Chính phủ nêu tại cuộc làm việc của Tổ công tác Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước diễn ra hồi đầu tuần.
"Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, chủ yếu là USD", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền ý kiến của Thủ tướng.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất đồng đôla Mỹ, giới chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cân nhắc tăng trở lại lãi huy động USD trong nước lúc này là hợp lý. Đây cũng là một trong những cách giúp thu hút nguồn lực USD nhàn rỗi trong dân, thay vì phải đi vay nước ngoài với mức lãi cao trong khi nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế ngày một tăng.
Số liệu mới công bố của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm tín dụng ngoại tệ tăng 7,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 giảm 3,5%), chiếm 8,3% tổng tín dụng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, nếu tiếp tục duy trì mức lãi gửi 0% một năm với USD thì sẽ khó "hút" được nguồn USD trong dân chúng.
"Một khi không sinh lời thì người dân sẽ không muốn gửi ngân hàng. Chưa kể chênh lệch giữa lãi gửi VND và USD hiện cũng đáng kể, 5-6% một năm, thì việc chỉ gửi tiền vào ngân hàng an toàn sẽ không là sự lựa chọn, bởi họ có thể cất giữ ở nhà", ông Hưng nói.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cũng cho rằng, đã tới lúc nhà điều hành xem xét nâng lãi suất USD trở lại để huy động nguồn lực trong dân, thay vì phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước. "Mức lãi suất USD có thể là 0,5% hay 1% một năm như nhiều đề xuất, nhưng cũng có thể thấp hơn", ông Trung nói, đồng thời lưu ý, việc điều chỉnh tăng bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào đánh giá tổng thể thị trường, đánh giá kỹ lưỡng để tránh đôla hoá nền kinh tế.
Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, hiện các ngân hàng đang phải đi vay ngân hàng nước ngoài lãi suất khoảng 2,5-4% một năm, nếu lãi huy động USD được điều chỉnh lên 0,25%, hoặc 0,5% một năm thì cũng rẻ hơn nhiều so với vay nước ngoài.
"Rõ ràng nền kinh tế vẫn có nhu cầu vay ngoại tệ rất lớn. Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng nhập siêu (6 tháng đã đạt 2,7 triệu USD), do đó cho vay ngoại tệ tăng khoảng 5%, tăng gấp đôi với với cùng kỳ năm 2016. Nếu tăng lãi tiền gửi USD trở lại sẽ không chỉ giúp tăng huy động vốn USD trong dân, còn giúp ngân hàng tiếp cận vốn rẻ hơn", Tiến sĩ Lực phân tích.
Trong khi nhiều ý kiến đề xuất tăng lãi suất USD 0,5-1% một năm, thì nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia - ông Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng cần tăng mạnh loại lãi suất này 2,2-2,5% một năm. Bởi theo ông, đồng USD là đồng tiền của Mỹ, nên khi áp dụng lãi suất với đồng tiền này cũng nên tham khảo lãi suất tiền gửi, tỷ lệ lạm phát nước họ.
"Hiện nay tỷ lệ lạm phát của Mỹ khoảng 2,2-2,5%, vì thế nâng lãi suất huy động USD lên mức này là hợp lý”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, bài toán tăng trở lại lãi suất huy động USD lại đặt nhà điều hành đứng trước thách thức khác, đó là câu chuyện đôla hoá nền kinh tế, điều mà cơ quan quản lý đã khá vất vả thiết lập lại trong gần 2 năm qua.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ, dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là chống đôla hóa nhưng "không nên chống bằng mọi giá", nhất là với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, đôla hóa ở mức độ nhất định là có thể chấp nhận được. Hiện mức độ đôla hoá ở Việt Nam ở ngưỡng khoảng 9%.
"Lãi suất USD có tăng nhẹ thì cũng sẽ không có chuyện người dân ào ào chuyển từ VND sang USD, vì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn rất cao, hơn 6% một năm", ông Lực nhận xét.
Lãi suất huy động USD trong nước được Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 0% một năm đối với cá nhân, doanh nghiệp từ tháng 12/2015 đến nay. Động thái này của nhà điều hành khi đó đưa ra nhằm giảm áp lực lên tỷ giá, trong bối cảnh đồng đôla Mỹ liên tục tăng sau quyết định tăng lãi suất của FED.
Nêu quan điểm về giải pháp hút ngoại tệ trong dân, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2016 cơ quan này đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó chủ yếu là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hoá sang đồng Việt Nam thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
"Đây là cách chuyển hoá nguồn ngoại tệ tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện cần kiểm soát ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc Lê Minh Hưng đúc kết.
Ông cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống đôla hoá, vàng hoá, trong đó nhấn mạnh các giải pháp vĩ mô, cụ thể chuyển hoá nguồn lực vàng, đôla này vào đầu tư... Đề án này sẽ có bước đi, lộ trình cụ thể để vừa huy động được nguồn lực trong dân, nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế.