Huy động vốn phát triển đô thị thông minh qua hình thức đầu tư PPP

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2019

Phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn trong khi vốn ngân sách nhà nước lại eo hẹp.

Huy động vốn phát triển đô thị thông minh qua hình thức đầu tư PPP.
Huy động vốn phát triển đô thị thông minh qua hình thức đầu tư PPP.

Từ thực tế này, để đảm bảo nguồn vốn phát triển đô thị thông minh, cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau…  Bài viết đề xuất các giải pháp huy động vốn phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Mục tiêu phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Phát triển đô thị thông minh là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ “Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn”.

Hiện nay, Việt Nam có trên 817 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Trên cả nước hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Huế, Lâm Đồng, Đà Nẵng…

Đến tháng 11/2016, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng nhấn mạnh một số nội dung ưu tiên phát triển đô thị thông minh. Tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 10384/VPCP –KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 58/BTTTT– KHCN ngày 11/01/2018 về việc “hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về CNTT và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam” nhằm thay đổi nhận thức và quan điểm về ứng dụng CNTT – truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh trên cả nước. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người; nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia, nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh, hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2020, xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị; Đến năm 2025, thực hiện thí điểm giai đoạn 1 kết hợp công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các đô thị thông minh, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị. Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vục, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Nhu cầu về vốn phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có trên 817 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Trên cả nước hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Huế, Lâm Đồng, Đà Nẵng… và từng bước triển khai thí điểm trong một số lĩnh vực như: Chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh.

Theo Đề án phát triển đô thị thông minh của các tỉnh, đa phần các tỉnh đều xây dựng lộ trình phát triển đô thị thông minh thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (Đến năm 2020): Hình thành một phần cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh bao gồm: Nền tảng kết cấu hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu….) các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, DN...), hoàn thành một phần cơ bản xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu như: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.

Giai đoạn 2 (Từ năm 2021 - 2025): Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, người dân chủ động tham gia quản lý và xây dựng chính sách phát triển xã hội, thông tin, cơ sở dữ liệu trở thành nguồn lực cơ bản trong phát triển xã hội, hình thành nền kinh tế số.

Giai đoạn 3 (Sau năm 2025): Đối với TP. Hà Nội là phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Nhu cầu vốn đế phát triển đô thị thông minh rất lớn, cụ thể như ở Hà Nội định hướng trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh. Tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành phố thông minh với tổng kinh phí ước thực hiện 2.130 tỷ đồng. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển, hiện đại hóa về công nghệ hướng đến mô hình đô thị thông minh thì không thể chỉ trông chờ nguồn đầu tư tư ngân sách nhà nước mà cần huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. 

Hợp tác công tư và phát triển đô thị thông minh

Hình thức hợp tác đầu tư công tư (PPP) được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo đối tác công tư. PPP là hình thức đầu tư hiệu quả và phổ biến tại các nước trên thế giới. Hình thức này được đánh giá là giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Việc áp dụng hình thức đầu tư PPP bước đầu sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, từ đó thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị Việt Nam để đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng trong tình hình mới. Đây là hình thức mở ra thị trường và cơ hội đầu tư tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Trên thực tế, việc khu vực tư nhân tham gia cung cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển đô thị tại Việt Nam còn khiêm tốn. Hiện nay, mới chỉ có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kết hợp với các cơ quan nhà nước triển khai các dự án đô thị thông minh. Nguyên nhân cơ bản như:

Thứ nhất, khung pháp lý về PPP chưa rõ ràng, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập DN, công tác quản lý đối với các dự án PPP còn thiếu chặt chẽ, nhiều khi bị một số cơ quan có trách nhiệm buông lỏng chức năng, nhiệm vụ. Theo báo cáo kiểm toán, nhiều dự án giao cho nhà đầu tư chỉ thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến xảy ra sai xót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thị công thực hiện dự án…

Thứ hai, phân chia lợi ích giữa Nhà nước và khu vực tư nhân chưa rõ ràng, chi tiết đối với từng loại hình dự án, của những cơ quan phát triển dự án và đầu tư tư nhân trong việc chịu chi phí và rủi ro khi phát triển dự án.

Thứ ba, việc phát triển đô thị thông minh chưa có một văn bản cụ thể nào về danh mục kêu gọi đầu tư chi tiết cho từng hạng mục của đô thị thông minh theo hình thức đầu tư.

Thứ tư, phát triển kinh tế của khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều DN hay tập đoàn lớn, kết hợp với chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này vẫn còn chưa tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP trong phát triển đô thị thông minh

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ hình thức PPP vào phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, bên cạnh việc phát huy những kết quả tích cực đạt được, khắc phục những hạn chế, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cùng với đó triển khai một số nội dung sau:

Một là, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý rõ ràng, chi tiết đối với hình thức đầu tư PPP nói chung và cụ thể trong từng lĩnh vực của phát triển đô thị thông minh nói riêng. Mặt khác, quan hệ PPP được điều chỉnh bởi một hợp đồng một cách chi tiết những quan hệ mà 2 đối tác mong muốn thực hiện. Hợp đồng cũng ấn định toàn bộ những điều kiện của quan hệ đối tác, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Trong trường hợp xung đột giữa 2 đối tác, những cơ chế trọng tài hay pháp lý phải can thiệp một cách hiệu quả dựa trên khung pháp lý đã được Chính phủ ban hành là hết sức cần thiết để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

Hình thức PPP là mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân nhằm thực hiện một dự án nói chung và đặc biệt khi áp dụng vào triển khai các dự án trong đô thị thông minh. Hình thức PPP có đặc điểm là cả 2 bên đều có lợi thế nhất định liên quan đến bên kia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Hai là, xác định các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Phải đưa yếu tố lựa chọn dự án lên hàng đầu, phù hợp với chiến lược phát triển đô thị thông minh. Những dự án được lựa chọn luôn phải tính đến khả năng bù đắp chi phí của người sử dụng và được đặt vào trong bối cảnh chung về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị thông minh. Những rủi ro kinh doanh hay những chi phí phát sinh ngoài dự kiến, cần tính toán sao cho phù hợp trong trường hợp thiếu hụt nguồn vốn.

Ba là, có cơ chế ưu đãi thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án có mục đích công cộng, dung hòa giữa động cơ cá nhân và lợi ích tập  thể  thúc đẩy phát triển cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của PPP là khu vực tư nhân thường có động cơ đề cao lợi nhuận cá nhân và coi nhẹ trách nhiệm xã hội trong các dự án. Vì vậy, khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị thông minh cần phải tuân thủ các nguyên tắc đã thống nhất và các chuẩn mực hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường xã hội. Khu vực tư nhân tham gia các dự án kết cấu hạ tầng cần có những cơ chế để khuyến khích khi có thiện chí và cam kết thực hiện các điều đã ký.

Bốn là, Nhà nước cần xây dựng những chính sách về tín dụng để các DN tư nhân có khả năng tiếp cận nguồn vốn nhằm cung cấp tài chính cho các hoạt động quan trọng mà khu vực tư nhân tham gia.

Năm là, cần có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, theo dõi trong quá trình thực hiện các dự án PPP, để cơ quan nhà nước giữ được quyền kiểm soát của mình một cách thường xuyên thì cần phải có đội ngũ nhân viên có năng lực, chuyên môn về tài chính, kỹ thuật để theo dõi tiến độ  thực hiện công trình.

Tóm lại, hình thức PPP là mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân nhằm thực hiện một dự án nói chung và đặc biệt khi áp dụng vào triển khai các dự án trong đô thị thông minh. Hình thức PPP có đặc điểm là cả 2 bên đều có lợi thế nhất định liên quan đến bên kia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Tuy nhiên, cần thấy rằng các thỏa thuận trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP là rất đa dạng và nội dung chi tiết của hầu hết các thỏa thuận đều được vận dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể. Do vậy, không tồn tại một mô hình PPP duy nhất hoặc “tối ưu nhất”, cũng như không tồn tại một bộ tiêu chí tổng hợp bao gồm các chỉ tiêu “vạn năng” để đánh giá. Vì vậy, để phát triển mô hình PPP một cách hiệu quả, đúng xu hướng của phát triển đô thị thông minh cần phải kết hợp nhiều giải pháp và thực hiện giải pháp một cách đồng bộ.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2018), Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
2. Viện Kinh tế xây dựng (2013), Dự án sự nghiệp kinh tế: Điều tra, đánh giá thực trạng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị;
3. http://kientrucvietnam.org.vn/phat-trien-do-thi-thong-minh-kinh-nghiem-lo-trinh-thuc-hien/;
4. http://dangcongsan.vn/xa-hoi/xay-dung-va-phat-trien-do-thi-thong-minh-theo-kinh-nghiem-quoc-te-319653.html.