IMF: Các ngân hàng trung ương nên xem xét phát hành tiền kỹ thuật số?

Theo Như Quỳnh/kinhtevadubao.vn

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định, các ngân hàng trung ương nên xem xét phát hành tiền kỹ thuật số vì tiền giấy đang phải đối mặt với một "bước ngoặt lịch sử".

Tiền kỹ thuật số có thể dưới dạng một token do nhà nước cấp hoặc thông qua tài khoản được giữ trực tiếp tại ngân hàng trung ương. Nguồn: Internet
Tiền kỹ thuật số có thể dưới dạng một token do nhà nước cấp hoặc thông qua tài khoản được giữ trực tiếp tại ngân hàng trung ương. Nguồn: Internet

Trong một bài phát biểu tại Fintech Singapore Festival hôm thứ Tư, bà Lagarde nhấn mạnh đến bản chất thay đổi của tiền khi nhu cầu tiền mặt vật chất đang giảm trên toàn thế giới. Bà cho biết, các ngân hàng trung ương có vai trò cung cấp tiền cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Bà Lagarde nói thêm: "Tôi tin rằng chúng ta nên xem xét khả năng phát hành tiền tệ kỹ thuật số".

Bà Lagarde cho rằng, một loại tiền tệ kỹ thuật số được ngân hàng trung ương hỗ trợ có thể giúp thúc đẩy sự tiếp cận tài chính, bảo mật và quyền riêng tư trong các khoản thanh toán như là một thay thế chi phí thấp và hiệu quả cho tiền giấy. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo về rủi ro đối với sự ổn định và đổi mới tài chính.

"Thông điệp của tôi là trong trường hợp mà tiền kỹ thuật số không phổ biến, chúng tôi vẫn nên nghiên cứu thêm một cách nghiêm túc, cẩn thận và sáng tạo", bà Lagarde nói.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang cân nhắc sự tăng lên của các khoản thanh toán không dùng tiền mặt ảnh hưởng như thế nào đến vai trò truyền thống của tiền giấy và việc quản lý nguồn cung tiền.

Bà Lagarde chỉ ra rằng, các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Canada, Thụy Điển và Uruguay đang "sẵn sàng thay đổi và có suy nghĩ mới" về cách họ có thể cung cấp tiền kỹ thuật số cho công chúng.

Ví dụ, ngân hàng trung ương của Thụy Điển, Riksbank, đang lên kế hoạch thử nghiệm một phiên bản tiền tệ kỹ thuật số gọi là e-krona vào năm 2019. Thụy Điển được coi là một trong những xã hội ít dùng tiền mặt nhất trên thế giới với chỉ 13% người Thụy Điển sử dụng tiền mặt cho lần mua gần đây nhất của họ trong một cửa hàng, theo một cuộc khảo sát mới nhất từ Riksbank.

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương hỗ trợ

Tiền gửi được giữ tại các ngân hàng thương mại đã được "kỹ thuật số", nhưng một đồng tiền kỹ thuật số có thể được hỗ trợ bởi chính phủ giống như cách mà tiền mặt hiện cũng đang được hỗ trợ, bà Lagarde nói. Tiền kỹ thuật số có thể dưới dạng một token do nhà nước cấp hoặc thông qua tài khoản được giữ trực tiếp tại ngân hàng trung ương.

Mặt khác, tiền điện tử như bitcoin hiện cung cấp một tùy chọn "phi tập trung", nghĩa là chúng không được kiểm soát bởi một cơ quan trung ương. Bà Lagarde cho biết mình "không hoàn toàn được thuyết phục" về tiền điện tử, thứ được dựa vào "niềm tin dành cho công nghệ".

"Quy định phù hợp của các thực thể này sẽ vẫn là trụ cột của sự tin tưởng", bà nói.

Để thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính, bà Lagarde cho biết các ngân hàng trung ương có thể hợp tác với tư nhân. Các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể quản lý tài sản của khách hàng trong khi chính phủ thực hiện các giao dịch kỹ thuật số, bà chia sẻ.

Sự sắp xếp này sẽ tiếp tục khuyến khích sự đổi mới giữa các ngân hàng và các công ty khởi nghiệp, trong khi cho phép các ngân hàng trung ương tập trung vào lợi thế của họ.

"Lợi thế là rõ ràng", bà Lagarde nói. "Thanh toán của bạn sẽ được xử lý ngay lập tức, an toàn, rẻ và bán vô danh".

IMF đã phát hành một bài báo mới vào hôm thứ Tư để xem xét trường hợp tiền tệ kỹ thuật số được ngân hàng trung ương hỗ trợ. Bài báo này cho thấy còn quá sớm để đưa ra kết luận về lợi ích ròng vì mọi quốc gia đều phải đối mặt với những hoàn cảnh đặc biệt xung quanh việc sử dụng tiền mặt và chấp nhận tiền điện tử. Các nhà hoạch định chính sách cần phải cởi mở về những thay đổi trong bối cảnh tài chính này, bà Lagarde nhận định.

"Công nghệ sẽ thay đổi, sẽ thay đổi chúng ta, vì vậy chúng ta cũng nên thay đổi", bà cho biết.