Hy Lạp và chủ nợ bất ngờ đạt thỏa hiệp?
AFP dẫn một nguồn tin châu Âu ngày 13/7 cho biết lãnh đạo các nước Hy Lạp, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt “thỏa hiệp” về một thỏa thuận cứu trợ tài chính dành cho Athens.
Theo nguồn tin của hãng AFP (Pháp), Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đưa ra đề xuất trên trong cuộc họp bốn bên kết thúc rạng sáng 13/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra ở Brussels (Bỉ).
Trong một thông báo riêng rẽ đăng trên trang mạng Twitter, người phát ngôn của ông Tusk cho hay nhà lãnh đạo EU này đã quyết định triệu tập lại hội nghị thượng đỉnh EU để thảo luận về “một đề xuất thỏa hiệp” liên quan tới gói cứu trợ tài chính thứ ba dành cho Hy Lạp.
Trước đó, EU đã bất ngờ thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trên, dự kiến diễn ra trong ngày 12/7 để bàn về số phận của Hy Lạp do các bộ trưởng tài chính Eurozone vẫn phải tiếp tục các cuộc đàm phán khó khăn về gói cứu trợ mới cho Athens.
Tuy nhiên, một quan chức Hy Lạp giấu tên nói rằng vẫn còn hai vấn đề lớn chưa ngã ngũ, đó là sự tham gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào chương trình cứu trợ trong khuôn khổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và việc lập quỹ tín thác là tài sản nhà nước của Hy Lạp trị giá 50 tỷ euro.
Trước đó, theo dự thảo Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ngày 12/7 cho biết khối này tính toán tới cuối tháng 8, Hy Lạp cần khoảng 19 tỷ euro cho nhu cầu tài chính ngắn hạn của nước này.
Gói biện pháp đầu tiên cần được Quốc hội Hy Lạp thông qua trước ngày 16/7 để tăng cường lòng tin về tinh thần sẵn sàng cải cách của Chính phủ Hy Lạp.
Việc xúc tiến đàm phán về gói cứu trợ thứ ba sẽ chỉ được thực hiện khi Athens gắn với những cải cách như đã yêu cầu.
Trong khi đó, việc xóa hay trừ nợ cho Hy Lạp không được nhắc tới trong bản dự thảo.
Eurogroup cũng dự định kéo dài việc hoãn trả nợ với thời hạn trả nợ dài hơn nhằm giải quyết "núi nợ" của Hy Lạp.
Ngoài ra, Eurogroup cũng yêu cầu Hy Lạp củng cố hệ thống thuế quan của nước này nhằm nâng cao nguồn thu của nhà nước, thực hiện tự do hóa hơn nữa thị trường nội địa và thực thi các khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Bên cạnh đó, Hy Lạp cần đẩy mạnh việc tự do hóa thị trường lao động, củng cố lĩnh vực tài chính thông qua việc thực thi các quy định của Liên minh châu Âu (EU).