Indonesia chuyển trả 5 container... rác quay lại Mỹ
Theo khai báo chính thức thì các container này chỉ chứa sản phẩm rác giấy, nhưng thực chất còn chứa nhiều loại rác nhựa khác như chai lọ, tã đã qua sử dụng…
Indonesia vừa chuyển trả năm container rác sang lại Mỹ và tuyên bố thẳng thừng rằng mình sẽ không trở thành “một bãi rác”, hãng Sputnik dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao Bộ Môi trường Indonesia ngày 15/6.
Theo giấy tờ hải quan thì các container này về chính thức do một công ty Canada làm chủ, nhưng được chuyển qua Indonesia từ bang Seattle của Mỹ hồi cuối tháng 3. Theo khai báo chính thức thì các container này chỉ chứa sản phẩm rác giấy, nhưng thực chất còn chứa nhiều loại rác nhựa khác như chai lọ, tã dùng rồi,…khiến nhiều quan chức địa phương nổi giận.
“Điều này chẳng thích hợp chút nào” – một quan chức Indonesia nói với hãng tin AFP.
Indonesia hiện đang kiểm tra thêm một số container nhập khẩu khác ở cảng Jakarta cũng như ở TP. Batam trên đảo Sumatra.
Như vậy Indonesia là nước Đông Nam Á gần nhất quyết định từ chối nhận các mặt hàng rác nhập khẩu từ phương Tây. Vài tuần trước đó Malaysia cũng chuyển trả hàng trăm tấn rác thải nhựa cho phương Tây.
Trước đó nữa, Philippines đã gửi cả 2.500 tấn rác thải gia dụng nhưng được gắn nhãn là hàng “có thể tái chế” do Canada nhập vào. Vì chuyện này mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đe dọa “một cuộc chiến” với Canada.
Trung Quốc là nước châu Á đầu tiên bắt đầu cuộc chiến chống lại các sản phẩm nhựa và một số loại rác khác của phương Tây, từ chối thẳng nhận bất kỳ lô hàng rác nào từ Mỹ hay châu Âu chuyển qua.
Sau một thời gian dài làm nơi tập kết rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới, năm ngoái Trung Quốc bắt đầu nói không với các mặt hàng rác thải từ nước ngoài nhằm bảo vệ môi trường. Trong khi đó các nước phương Tây vẫn tiếp tục xem châu Á là điểm đến của rác thải của mình, và bắt đầu chuyển hướng sang các nước Malaysia, Indonesia, Philippines.
Theo tính toán của Quỹ Thiên nhiên toàn cầu thì mỗi năm ước chừng có khoảng 300 triệu tấn rác được thải ra, và điểm đến của phần lớn rác thải này là đại dương, gây nên một gánh nặng khủng khiếp cho hệ sinh thái biển.