Iran làm gì để chống đỡ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ?

Theo Bích Liên/vietnamplus.vn

Tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ song song với thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ là những biện pháp có thể giúp Iran chống đỡ các trừng phạt của Mỹ.

Ảnh tư liệu: Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran, ngoài khơi vùng Vịnh Persian. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran, ngoài khơi vùng Vịnh Persian. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ song song với thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ là những biện pháp có thể giúp Iran chống đỡ các trừng phạt của Mỹ.

Tuyên bố trên được Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra ngày 4/5, một ngày sau khi quy chế miễn trừ trừng phạt kéo dài 180 ngày mà chính quyền Washington dành cho những khách hàng mua dầu mỏ của Iran chính thức hết hiệu lực nhằm buộc Iran phải ngừng sản xuất urani làm giàu cấp độ thấp cũng như việc mở rộng quy mô nhà máy điện hạt nhân duy nhất của mình.

Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Mỹ đang tìm cách giảm dự trữ ngoại tệ của chúng ta... Vì vậy, chúng ta phải tăng thu và giảm chi."

Theo ông, năm 2018, xuất khẩu phi dầu mỏ của Iran đạt 43 tỷ USD và nước này cần tăng sản xuất cũng như tăng xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ để đối phó với âm mưu của Mỹ ngăn chặn nguồn thu từ dầu của Iran.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiến hành các biện pháp nhằm cô lập Iran về chính trị và kinh tế sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã ký với Tehran năm 2015.

Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Kể từ ngày 1/5 vừa qua, quy chế miễn trừ này đã hết hạn.