KBNN TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công

Đức Huy

Thời gian qua, số dư tạm ứng hàng năm tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Hồ Chí Minh còn khá lớn và đa phần tập trung vào nhóm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Do vậy, để đảm bảo phát huy hiệu quả của việc sử dụng vốn đúng mục đích, tránh thất thoát lãng phí vốn, trong thời gian tới, KBNN TP. Hồ Chí Minh cần có những giải pháp để tăng cường quản lý tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công.

Số dư tạm ứng hàng năm còn khá lớn

Tính đến ngày 20/5/2023, số dư tạm ứng vốn đầu tư công tại KBNN TP. Hồ Chí Minh là 21.834 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 13.703 tỷ đồng, chiếm 62,8%.

Khách hàng làm thủ tục thanh toán tại KBNN.

Số dư tạm ứng hàng năm tại KBNN TP. Hồ Chí Minh còn khá lớn, đa phần tập trung vào nhóm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 17.668 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 33% kế hoạch vốn được giao. Đáng chú ý, tổng số vốn quá hạn đến ngày 20/5/2023 là 1.112 tỷ đồng với 140 dự án, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá hạn là 888 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 79,9% số vốn quá hạn.

Theo KBNN TP. Hồ Chí Minh, số dư tạm ứng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá hạn trên địa bàn thời gian qua còn cao và kéo dài qua nhiều năm. Theo thống kê, số dư của chi phí bồi thường chiếm tới gần 80% tổng số dư tạm ứng cũng như số dư tạm ứng quá hạn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định cơ chế quản lý, theo dõi số tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng người dân không đồng ý phương án và không nhận tiền. Đồng thời, việc thực hiện cơ chế về quản lý vốn bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức, một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể cũng như chưa có sự thống nhất trong quy định giữa trung ương và địa phương trong việc quản lý.

Cụ thể, quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời điểm trước đó có nêu: Trong khi chờ giải quyết tranh chấp và khiếu nại thì giao tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng liên hệ với ngân hàng thương mại để mở sổ tiết kiệm tiền gửi theo hình thức lãi suất bậc thang cho từng người bị thu hồi đất. Song do thực hiện theo quy định trên, số tiền của các hộ dân chưa nhận tiền đang được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng với tổng giá trị hiện nay là lớn và khó rà soát để xác định chi trả hay thu hồi và không đúng quy định về quản lý vốn hiện nay.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chuyển khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đến tài khoản của người dân còn khá thấp. Theo thống kê nội bộ, tỷ lệ người dân thực hiện nhận tiền bồi thường bằng tiền mặt hiện nay vẫn còn khoảng 65,67%.

KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng rủi ro khi số dư tạm ứng vốn đầu tư công lớn, trong đó có nhiều chi phí quá hạn cũng đồng thời phản ánh tỷ trọng chi chuyển nguồn vốn tạm ứng hàng năm trong tổng chi cân đối ngân sách luôn ở mức cao, làm hạn chế hiệu quả chi và điều hành ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, thời gian qua, do chưa có cơ chế quy định cụ thể về quản lý, theo dõi số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, một số trường hợp người dân không đồng ý phương án và không nhận tiền đền bù... trong khi KBNN chuyển tiền theo đề nghị của tổ chức bồi thường để thực hiện chi trả cho người dân theo phương án, nhưng chưa thực hiện kịp thời làm phát sinh tiêu cực.

Kiểm soát chi phù hợp, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Hiện nay, tại KBNN TP. Hồ Chí Minh, 100% thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công đều được tiếp nhận xử lý qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (trừ lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật nhà nước). KBNN thường xuyên tuyên truyền và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống của KBNN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác thực hiện thanh kiểm tra nội bộ về xử lý số dư tạm ứng quá hạn. Cùng với đó, KBNN TP. Hồ Chí Minh ban hành quy trình thực hiện thanh kiểm tra nội bộ thực hiện xử lý các khoản tạm ứng quá hạn làm cơ sở thực hiện; đồng thời điện tử hóa hồ sơ các dự án theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 để kịp thời khai thác, bảo quản, hồ sơ, tài liệu.

Song song với nhiệm vụ trên, KBNN TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng quy trình theo dõi, kiểm soát thu hồi vốn tạm ứng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công triển khai đến các đơn vị thuộc và trực thuộc theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 nhằm rà soát, đối chiếu được dòng tiền tạm ứng của từng dự án, khoản chi sau khi rút vốn đầu tư từ ngân sách chuyển vào từng tài khoản của các đơn vị liên quan (chủ đầu tư, tổ chức thực hiện bồi thường…) mở tại các địa bàn khác nhau. Đồng thời, hàng tháng KBNN tổ chức phối hợp thực hiện đối chiếu, đôn đốc thanh toán, kịp thời phát hiện rủi ro.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm soát chi phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, KBNN TP. Hồ Chí Minh tích cực tham mưu đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc báo cáo, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhận tiền bồi thường không dùng tiền mặt (thông qua hệ thống ngân hàng) theo đúng chủ trương của Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh để người dân nắm được các lợi ích cũng như tránh rủi ro, tiết kiệm thời gian, sinh lời và giảm một số chi phí khác...

Hai là, tiếp tục tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định cho phép thực hiện quyết toán dự án hoàn thành các chi phí hợp lý, hợp pháp đã thực hiện. Số tiền còn lại đã tạm ứng từ dự án, đang tạm giữ trên tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan KBNN sẽ tiếp tục giao chủ đầu tư theo dõi, đối chiếu và vận động chi trả cho người có đất thu hồi nhằm không ảnh hưởng đến công tác quyết toán dự án và sẽ được thực hiện quyết toán bổ sung khi người có đất thu hồi đã thực nhận.

Ba là, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh có những chế tài đủ mạnh đối với các chủ đầu tư, ban quản lý có dự án, công trình có số dư tạm ứng kéo dài qua các năm, không thu hồi hoàn ứng. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo cụ thể nguyên nhân của các công trình, dự án chưa có thủ tục, hồ sơ để hoàn tạm ứng; thực hiện cam kết cụ thể theo các mốc thời gian cũng như biện pháp thực hiện hoàn ứng.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2023