Kế hoạch kiểm toán năm 2024: Trọng tâm, trọng điểm, đề cao tính công khai, minh bạch
Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hoạt động kiểm toán cần có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực.
“Làm ít nhưng chất”
Báo cáo tại Phiên họp về công tác năm 2023 của KTNN, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, với phương châm “làm ít nhưng chất”, hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên một địa bàn, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022.
Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN, kế hoạch kiểm toán đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 31/8/2023, toàn Ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 61 báo cáo kiểm toán. Trong đó, sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Cùng với việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2023, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho hay, Tổng KTNN đã ban hành Hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026 và kế hoạch kiểm toán năm 2024, tiếp tục với phương châm “làm ít nhưng chất”, bám sát Chiến lược phát triển KTNN và các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, số nhiệm vụ năm 2024 không tăng so với năm 2023, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kiểm toán chuyên đề đảm bảo chất lượng.
Theo Phó Tổng KTNN, năm 2024, dự kiến bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán so với 129 nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2023. KTNN định hướng lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước.
Về lĩnh vực ngân sách nhà nước, dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan trung ương, kiểm toán tại 61 địa phương.
Kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm
Trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực.
Tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước (56,3%); sửa đổi, bổ sung ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Liên quan đến dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị KTNN cần bám sát nguyên tắc, định hướng, mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024 đã đề ra để dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán cần xác định trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 để phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu theo lộ trình đã đề ra tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Các cuộc kiểm toán theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và và cử tri quan tâm như đã nêu tại định hướng, mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá KTNN có nhiều đổi mới tích cực. Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kế hoạch kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực.