Ý kiến kiểm toán viên về kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty công nghệ viễn thông

Lương Thị Hồng Ngân, Trần Nguyễn Bích Hiền, Vũ Thị Thu Huyền

Báo cáo kiểm toán về kiểm toán báo cáo tài chính trình bày ý kiến của kiểm toán viên là sản phẩm của kiểm toán viên cung cấp cho xã hội để những người sử dụng thông tin báo cáo tài chính đưa ra các quyết định kinh tế. Bởi vậy, nội dung này luôn nhận được quan tâm của các bên liên quan. Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả để nghiên cứu thực trạng các dạng ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty công nghệ viễn thông nhằm cung cấp một góc nhìn tổng thể về bức tranh tài chính các công ty thuộc ngành nghề này và gợi mở một số hàm ý về ý kiến kiểm toán.

Đặt vấn đề

Thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Đây là kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời là nơi luân chuyển vốn giúp nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những nguồn thông tin quan trọng hàng đầu cung cấp thông tin về tình trạng tài chính của một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cho người sử dụng thông tin. Theo lý thuyết người đại diện của Jensen và Meckling (1976), người quản lý luôn có xu hướng cung cấp thông tin có lợi cho họ, do đó BCTC cần được sự xác nhận của bên thứ ba nhằm đảm bảo cho người sử dụng bên ngoài về độ tin cậy của thông tin. Bởi vậy, báo cáo kiểm toán, trong đó trình bày ý kiến kiểm toán về BCTC của các công ty, đặc biệt là các công ty niêm yết luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bên liên quan.

Nhóm các công ty viễn thông được nhóm tác giả nghiên cứu trong bài viết là các công ty đại chúng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh, đăng ký giao dịch và chưa niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (UPCoM) bao gồm 31 mã cổ phiếu.

Nhóm ngành viễn thông được đánh giá là nhóm ngành không quá sôi động trên thị trường chứng khoán bởi đặc tính thanh khoản thấp cũng như không có quá nhiều doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư nhưng được dự báo là lĩnh vực giàu tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới khi nhu cầu đầu tư 5G, hạ tầng thông minh, Cloud… tăng mạnh. Đây cũng được cho là nhóm ngành hấp dẫn giới đầu tư bởi tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định.

Bởi vậy mà thông tin về ý kiến kiểm toán cho nhóm ngành này nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Bài viết, trình bày tổng quan cơ sở các dạng ý kiến, thực trạng về các dạng ý kiến kiểm toán BCTC của các công ty công nghệ để có bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của nhóm ngành này trên TTCK Việt Nam và gợi mở một số hàm ý về ý kiến kiểm toán.

Cơ sở lý thuyết về các dạng ý kiến trong kiểm toán báo cáo tài chính

Theo Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế số 700 (ISA 700) cũng như chuẩn mực kiểm toán Việt Nam VSA 700 - Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về BCTC, VSA 705 – Ý kiến kiểm toán không phải chấp nhận toàn phần, báo cáo kiểm toán về BCTC bao gồm 2 dạng ý kiến kiểm toán:

Thứ nhất, dạng ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần: Đây là ý kiến được đưa ra khi kiểm toán viên (KTV) kết luận rằng BCTC đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng. BCTC được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần không có nghĩa là BCTC đó không tồn tại sai sót, mà chỉ bảo đảm không tồn tại sai sót trọng yếu. Dạng báo cáo này còn được đưa ra khi BCTC của đơn vị có tồn tại các sai sót trọng yếu nhưng sai sót này đã được điều chỉnh theo ý kiến của KTV, sai sót trọng yếu không còn tồn tại sau điều chỉnh.

Thứ hai, dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần: Dạng ý kiến này bao gồm 3 loại ý kiến: “Ý kiến kiểm toán ngoại trừ”; “Ý kiến kiểm toán trái ngược” và “Từ chối đưa ra ý kiến”. Đây là dạng ý kiến được đưa ra khi KTV kết luận rằng BCTC đã được lập còn tồn tại sai sót trọng yếu; hoặc KTV không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận rằng tổng thể BCTC không còn sai sót trọng yếu. Theo chuẩn mực, với mỗi dạng trong nhóm ý kiến kiểm toán không chấp nhận toàn phần có các cơ sở hình thành ý kiến là khác nhau. Khi đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là chấp nhận toàn phần, KTV phải trình bày rõ trong đoạn ý kiến kiếm toán về cơ sở hình thành ý kiến loại này. Cụ thể:

- Ý kiến kiểm toán ngoại trừ: Ý kiến được đưa ra do BCTC tồn tại sai sót trọng yếu nhưng sai sót này không lan tỏa trong BCTC. Bên cạnh đó, ý kiến ngoại trừ cũng có thể được đưa ra khi phạm vi kiểm toán bị giới hạn, tức là KTV không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng KTV nghi ngờ rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa trong BCTC.

- Ý kiến kiểm toán trái ngược: Ý kiến kiểm toán trái ngược được phát hành khi KTV thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp cho thấy BCTC đã phản ánh không trung thực và hợp lý hoặc đã không được lập phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng và mức độ nghiêm trọng của sai sót được phát hiện phải có ảnh hưởng lan tỏa trong BCTC.

- Từ chối đưa ra ý kiến: Dạng ý kiến này được đưa ra khi KTV không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, trong khi mức độ nghiêm trọng của những vấn đề không xác định được này có ảnh hưởng lan tỏa trên BCTC.

Trong một số trường hợp, KTV và doanh nghiệp kiểm toán có thể bổ sung các thông tin rõ ràng vào báo cáo kiểm toán với một số vấn đề:

(i) Một vấn đề đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được BCTC, mặc dù vấn đề đó đã được trình bày hoặc thuyết minh phù hợp trong BCTC;

(ii) Bất kỳ vấn đề nào khác mà KTV cho là thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của KTV hoặc về báo cáo kiểm toán (Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, VSA 706 - Đoạn "Vấn đề cần nhấn mạnh" và "Vấn đề khác" trong báo cáo kiểm toán về BCTC). Theo chuẩn mực kiểm toán này, KTV trình bày vấn đề nhấn mạnh hoặc vấn đề khác là các đoạn riêng biệt trong báo cáo kiểm toán. Trong đó, đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” là đoạn trong báo cáo kiểm toán đề cập đến vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh phù hợp trong BCTC mà theo xét đoán của KTV, vấn đề đó là đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được BCTC. Đoạn “Vấn đề khác” là đoạn trong báo cáo kiểm toán đề cập đến vấn đề khác, ngoài các vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong BCTC, mà theo xét đoán của KTV, vấn đề khác đó là thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của KTV hoặc về báo cáo kiểm toán. Cần lưu ý rằng việc trình bày đoạn vấn đề cần nhấn mạnh và vấn đề khác trong báo cáo kiểm toán không làm ảnh hưởng đến ý kiến của KTV.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết nghiên cứu thực trạng về ý kiến kiểm toán bằng phương pháp thống kê mô tả, so sánh ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần và ý kiến không phải dạng chấp nhận toàn phần của các mã cổ phiếu công ty công nghệ viễn thông đại chúng niêm yết, chưa niêm yết từ năm 2015-2021. Mẫu thu thập cho nhóm ngành này gồm 31 mã cổ phiếu của 31 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sàn Hà Nội, sàn Hồ Chí Minh và sàn UPCoM).

Theo thống kê của nhóm tác giả, mẫu nghiên cứu là các doanh nghiệp có quy mô chia thành 3 nhóm theo khối lượng cổ phiếu lưu hành. Cụ thể, nhóm 1 (0-100.000.000 cổ phiếu) với 26 công ty; Nhóm 2 (100.000.000-dưới 1 tỷ cổ phiếu) với 4 công ty; Nhóm 3 (>1 tỷ cổ phiếu) với 1 công ty. 31 công ty được đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, bao gồm các cả các công ty niêm yết (9 công ty niêm yết trên sở Hà Nội, 11 công ty niêm yết trên sở Hồ Chí Minh) và công ty chưa niêm yết (11 công ty đăng ký giao dịch UPCoM).

Hình 1: Ý kiến kiểm toán các công ty ngành công nghệ viễn thông giai đoạn 2015-2021

 

Bảng 1: Thống kê cơ sở ý kiến không chấp nhận toàn phần, giai đoạn 2015-2021

Cơ sở của ý kiến không phải chấp nhận toàn phần

2018

2019

2020

2021

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

Không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp

               

Không thu thập được bằng chứng kiểm toán cho công nợ phải thu, phải trả

2

22,22

2

22,22

3

27,27

3

30

Không thu thập được bằng chứng kiểm toán liên quan đến ghi nhận doanh thu, chi phí

1

11,11

1

11,11

1

9,09

1

10

Không xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho, khả năng thu hồi phải thu

2

22,22

1

11,11

1

9,09

1

10

Không thu thập được bằng chứng kiểm toán liên quan đến dự phòng các khoản đầu tư vào công ty con, liên kết

1

11,11

1

11,11

1

9,09

2

20

BCTC có sai sót trọng yếu

               

Ghi nhận doanh thu không đúng quy định theo chuẩn mực

2

22,22

2

22,22

2

18,18

1

10

Không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng phải thu khó đòi

1

11,11

1

11,11

2

18,18

1

10

Liên quan đến khấu hao tài sản

   

1

11,11

1

9,09

1

10

Tổng cộng

9

100

9

100

11

100

10

100

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

 

Các dạng ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty công nghệ viễn thông

Các dạng ý kiến kiểm toán

Thống kê thực trạng về ý kiến kiểm toán về kiểm toán BCTC tại các công ty thuộc nhóm công nghệ viễn thông niêm yết từ năm 2015-2021 (Bảng 1) cho thấy, kết quả thuộc 2 nhóm ý kiến là chấp nhận toàn phần và nhóm ý kiến không phải dạng chấp nhận toàn phần.

Trong đó, nhóm ý kiến chấp nhận toàn phần nhiều hơn ý kiến không phải chấp nhận toàn phần, chiếm tỷ lệ trên 70%, nhóm ý kiến không phải chấp nhận toàn phần chiếm tỷ lệ từ 17-26% và các xu hướng tăng trong 2 năm 2020 và 2021. Tỷ lệ không chấp nhận toàn phần có xu hướng tăng đáng kể trong 2 năm 2020, 2021 là thời điểm bùng phát dịch COVID-19, hạn chế đi lại, các thủ tục kiểm toán được thực hiện chủ yếu là kiểm toán từ xa, các thủ tục kiểm toán mặc dù đã được thực hiện nhưng có sự gia tăng các trường hợp không thu thập được các bằng chứng thích hợp thực hiện để đưa ra ý kiến kiểm toán và KTV đánh giá các ảnh hưởng của các sự kiện đó đến BCTC là không lan tỏa trên BCTC. Điều này lý giải cho thực trạng ý kiến kiểm toán ngoại trừ được đưa ra nhiều hơn trong giai đoạn này.

Năm 2015 với 24 mã chấp nhận toàn phần, 6 mã không chấp nhận toàn phần; Năm 2016, 2017, 2018 với tỷ lệ báo cáo kiểm toán không chấp nhận toàn phần lần lượt là 6, 7, 6 (chiếm các tỷ lệ lần lượt 19%, 23% và 19%). Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, tỷ lệ chấp nhận toàn phần giảm chỉ chiếm 74% trong khi đó tỷ lệ báo cáo kiểm toán với ý kiến không chấp nhận toàn phần tăng là 8 mã cổ phiếu (chiếm 26%). Tổng hợp các dạng ý kiến qua các năm 2015-2021 của các mã cổ phiếu công ty ngành công nghệ viễn thông được mô tả như Hình 1.

Tổng số ý kiến không phải chấp nhận toàn phần của các công ty thuộc nhóm ngành công nghệ viễn thông giai đoạn 2015-2021 là 46 trường hợp, trong đó có 37 trường hợp là giao dịch trên sàn UPCoM, 9 trường hợp còn lại ngoại trừ là các mã công ty niêm yết CKV, TTZ và CTR trên 2 sở Hà Nội và sở Hồ Chí Minh. Thực trạng này cho thấy, kết quả kiểm toán BCTC của các công ty niêm yết thuộc nhóm ngành công nghệ viễn thông chủ yếu là ý kiến chấp nhận toàn phần, dạng ý kiến chiếm đa số so với ý kiến không chấp nhận toàn phần.

Cơ sở hình thành ý kiến không phải chấp nhận toàn phần

Từ việc nghiên cứu thực trạng báo cáo kiểm toán của các công ty nhóm ngành công nghệ viễn thông giai đoạn 2015-2021, nhóm tác giả nhận thấy khi KTV đưa ra ý kiến không phải chấp nhận toàn phần (là ý kiến ngoại trừ, hay trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến), KTV luôn trình bày trong báo cáo kiểm toán lý do khiến họ hình thành loại ý kiến này.

Kết quả về cơ sở hình thành ý kiến không phải chấp nhận toàn phần (Bảng 2) cho thấy không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp là lý do phổ biến khiến KTV đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là chấp nhận toàn phần. Trong đó, thường gặp và có xu hướng gia tăng với nhóm ngành công nghệ viễn thông là không thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán cho các khoản phải thu, phải trả (tăng từ 22,22% lên 27,27 và năm 2021 là 30%).

Không thu thập được bằng chứng kiểm toán liên quan đến ghi nhận doanh thu, chi phí và không xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho, khả năng thu hồi phải thu chiếm tỷ lệ thấp qua các năm. Một thực trạng khác về cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán không phải là chấp nhận toàn phần cho thấy, các trường hợp phát sinh ý kiến không phải chấp nhận toàn phần do BCTC có sai sót trọng yếu ít phổ biến.

Các sai sót như ghi nhận doanh thu không phù hợp hoặc do chưa trích lập đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng phải thu khó đòi hoặc liên quan đến khấu hao tài sản cố định là cơ sở đưa ra ý kiến không chấp nhận toàn phần.

Bảng 2: Thống kê về đoạn nhấn mạnh và vấn đề khác được trình bày trong ý kiến kiểm toán trong các công ty thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin, giai đoạn 2015 - 2021

Năm

Đoạn nhấn mạnh

Vấn đề khác

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

2015

1

5

0

0

2016

2

11

0

0

2017

0

0

0

0

2018

4

21

0

0

2019

3

16

3

43

2020

2

11

4

57

2021

7

37

0

0

Tổng

19

100

7

100

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Các vấn đề nhấn mạnh và vấn đề khác trong ý kiến kiểm toán

Trong một số trường hợp trong báo cáo kiểm toán của các mã cổ phiếu ngành công nghệ viễn thông, KTV còn đưa ra đoạn nhấn mạnh và vấn đề khác. Mục đích của việc này là thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với các vấn đề đó. KTV bổ sung các thông tin rõ ràng vào báo cáo kiểm toán với một số các vấn đề cụ thể tại công ty mà không làm thay đổi bản chất của ý kiến kiểm toán đã được đưa ra trước đó.

Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” được KTV trình bày trong báo cáo kiểm toán của các mã cổ phiếu công ty ngành công nghệ viễn thông thường đề cập đến cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục, nhấn mạnh các thay đổi về phương án vốn, các khoản chưa chắc chắn như chi phí thuế TNDN phải nộp tại nước ngoài chưa quyết toán, cảnh báo về các khoản cổ tức chi trả... Trong khi đó, đoạn “Vấn đề khác” để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của KTV hoặc về báo cáo kiểm toán.

Một số gợi ý

Thứ nhất, trên góc độ KTV và công ty kiểm toán: Ý kiến của KTV trên báo cáo kiểm toán là phần đúc kết nhất khẳng định lại toàn bộ những kết luận về đối tượng kiểm toán. Nhưng do bản chất vốn có của một cuộc kiểm toán và tính chất của các gian lận, không thể đảm bảo chắc chắn rằng gian lận luôn được phát hiện nên trong thực tế, một chuyên gia phát hiện gian lận nhiều kinh nghiệm cũng không thể đảm bảo chắc chắn phát hiện được toàn bộ các gian lận khi chúng được che dấu một cách cố ý. Vì vậy, xét trên một phương diện nào đó, độ tin cậy với những kết luận của KTV chỉ mang tính tương đối.

Cũng từ thực trạng dạng ý kiến của các công ty công nghệ viễn thông nói riêng và các công ty niêm yết nói chung (ý kiến chấp nhận toàn phần là đa số)đặt ra một yêu cầu nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, tăng lòng tin của các nhà đầu tư và của cả xã hội, bảo đảm tính công khai và minh bạch, tính chính xác của BCTC đã được kiểm toán (không chỉ đối với các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành công nghệ viễn thông mà còn là tổng thể các công ty đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán). Nói về vấn đề này không thể không bàn đến vai trò và trách nhiệm của các KTV và công ty kiểm toán độc lập trong việc xác nhận tính trung thực và hợp lý của BCTC của doanh nghiệp. Bài toán dung hòa giữa lợi ích cho khách hàng và trách nhiệm của chính công ty đối với pháp luật và đạo đức nghề nghiệp luôn là bài toán khó cho mọi công ty kiểm toán.

Do vậy, cách ứng xử của KTV khi kiểm toán cho một công ty đang xuất hiện dấu hiệu thua lỗ và có dấu hiệu sai phạm là rất quan trọng. Khi phát hiện các dấu hiệu này, KTV cần thẳng thắn bàn bạc và trao đổi với khách hàng nhằm tìm biện pháp giải quyết, thay vì lờ đi, bỏ qua hay bắt tay với khách hàng để làm đẹp số liệu. Bất kỳ công ty kiểm toán nào nếu không lấy đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp làm kim chỉ nam hành động thì không thể đem lại lợi ích thực sự cho khách hàng cũng như khó có thể tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhìn vào thực trạng ý kiến kiểm toán cho thấy ý kiến không phải chấp nhận toàn phần chủ yếu là dạng ý kiến ngoại trừ như mô tả ở trên. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng BCTC và ý kiến kiểm toán, kiểm toán cần nêu rõ trách nhiệm của mình đối với ý kiến ngoại trừ. Kiểm toán viên cần khẳng định rõ trách nhiệm kết luận của mình với phần các yếu tố có thể phát sinh trong tương lai.

Mặc dù, những yếu tố ảnh hưởng nếu có phát sinh trong tương lai thực sự rất khó kiểm soát nhưng KTV cũng cần phân tích và dự đoán khả năng xảy ra của các sự kiện đó trong tương lai từ đó tư vấn và cảnh báo kịp thời cho các nhà quản lý, giúp các nhà quản lý tránh được nhưng thiệt hại đồng thời nâng cao giá trị của kết luận trong báo cáo kiểm toán.

Để nâng cao chất lượng các ý kiến kiểm toán, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo ra nó cả về chất lượng và số lượng. Các cơ quan chủ quản, các công ty kiểm toán và các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần thực hiện thường xuyên các khóa đào tạo và bồi dưỡng, cuối mỗi khóa cần tổ chức kiểm tra, viết thu hoạch và sử dụng kết quả này để đánh giá KTV.

Bên cạnh đó định kỳ cần tổ chức các kỳ thi về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho KTV; phối hợp với các tổ chức khác để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho KTV. Mặt khác, phải thường xuyên kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, có thể thành lập Ban kiểm soát chất lượng kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các chuẩn mực, quy trình, kế hoạch kiểm toán cũng như có thể kiểm toán lại một số BCTC đã được kiểm toán nếu cần.

Thứ hai, trên góc độ người quan tâm đến thông tin trên BCTC: Ý kiến của KTV và của công ty kiểm toán về BCTC có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều phía. Chẳng hạn như trường hợp ý kiến đưa ra thiếu chính xác, nhà đầu tư là người hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ năng lực để xem và hiểu rõ được thuyết minh BCTC và đánh giá được các điểm quan trọng của các điểm ngoại trừ trong báo cáo của KTV, thậm chí, hiểu rõ báo cáo của KTV thì với hàng loạt yếu tố ngoại trừ trong BCTC như vậy; hoặc các nhà đầu tư không hoàn toàn đủ thông tin để đánh giá được thực chất hoạt động doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Bởi vậy, ý kiến kiểm toán cần rõ ràng trong văn phong khoa học mạch lạc dễ hiểu tránh gây hiểu lầm. Các đoạn nhấn mạnh và các vấn đề khác cần được sử dụng để lưu ý người sử dụng thông tin tránh các trường hợp họ đưa ra các quyết định sai lầm từ việc ý kiến kiểm toán không rõ ràng. Hiểu về ý kiến kiểm toán là thực sự cần thiết cho các đối tượng sử dụng thông tin BCTC sau kiểm toán.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 214/2012/TT-BTC ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (hiệu lực từ 01/01/2014);
  2. Nguyễn Minh Nhựt (2016), kiểm định mối quan hệ giữa ý kiến kiểm toán và quản trị lợi nhuận trên BCTC của các công ty niêm yết ở Việt Nam
  3. Wijaya, p. (2021), ‘Market reaction toward modified audit opinion: empirical evidence from pre and at pandemic period’, Doctoral dissertation, Universitas Pelita Harapan.
  4. http://www.hse.org.vn/
  5. http://www.ssc.gov.vn/ssc/Detail.aspx?tabid=950&ItemID=37545
  6. http://www.hsx.vn/
  7. http://vneconomy.vn/home.htm