Kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức

Việt Hoàng

Ngày 06/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1046/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022–2026...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra tại Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng tổ chứ, cơ quan, đơn vị theo vị trí việc làm.

Đồng thời, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường...

Với nhiệm vụ đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thành trong quý I/2023.

Rà soát, đề xuất Nghị định thay thế Nghị định của Chính phủ quy định về xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công bao gồm: Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, hoàn thành trong quý I/2023.

Xây dựng cơ chế, chính sách để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành trong quý I/2023.

Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành trong quý I/2023.

Với nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế tài chính, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công và lộ trình tính đủ chi phí đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được nhà nước đặt hàng, hoàn thành trong quý IV/2022.

Đồng thời, Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó lưu ý cơ chế ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành trong năm 2023...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiệnnhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương.