Cần công khai đấu giá đất công

Theo Phương Uyên/diendanbatdongsan.vn

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là việc giao đất không đúng đối tượng hoặc quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kiểm toán Nhà nước nêu rõ có trường hợp giao đất không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Ngãi giao tới 10 khu đất nhưng không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào sử dụng buộc phải đấu giá công khai theo đúng quy định pháp luật
Khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào sử dụng buộc phải đấu giá công khai theo đúng quy định pháp luật

Hay có trường hợp chỉ định doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong khi doanh nghiệp chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định. 

Có trường hợp cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện dự án khu đô thị không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất rừng sản xuất không thu tiền thuê đất.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng quản lý chưa chặt chẽ, chưa xử lý quyết liệt, kịp thời vi phạm về đất đai như ở tỉnh Ninh Bình. Đến thời điểm kiểm toán, còn tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý, sử dụng sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong phạm vi Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với tổng diện tích 7.187 m2.

Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way cho biết, theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tùy từng trường hợp cụ thể thì tổ chức, cá nhân sử dụng đất công không đúng mục đích hoặc sử dụng đất công khi không được giao đất, cho thuê đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Các trường hợp xử phạt bao gồm: hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lấn, chiếm đất công và buộc phải khôi phục lại hiện trạng như ban đầu…

Bên cạnh những vi phạm về pháp luật đất đai, các công trình xây dựng trên đất công trái phép còn có thể rơi vào loạt sai phạm khác như không có giấy phép xây dựng. Các công trình khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự...

Căn cứ vào Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, tùy vào mức độ sai phạm, đối với chủ đầu tư hoặc đơn vị chủ quản được giao triển khai các dự án có sử dụng đất công cộng nhưng chậm triển khai dự án, sử dụng đất không đúng mục đích được giao thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành sắp xếp lại xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; đúng tiêu chuẩn, đúng mục đích sử dụng được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các hình thức sắp xếp lại đối với đất công có thể được áp dụng như thu hồi đất, giao về cho địa phương quản lý.

Theo luật sư Hồi, để quản lý quỹ đất công một cách hiệu quả khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào quản lý, sử dụng thì buộc phải tiến hành hoạt động đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật. Khi đấu giá công khai có thể tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án khai thác, quản lý, sử dụng đất công hợp lý nhất để giao, cho thuê đất công.

Ở khía cạnh khác, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, giải pháp cần thiết nhất hiện nay là xử lý sai phạm phải triệt để, không có trường hợp nào được miễn giảm. Những công trình sai phạm mọc lên trên đất công phải cương quyết phải đập bỏ dù đã xây dựng kiên cố đến mức nào, tốn kém ra sao. Nếu còn dung túng, nương tay và phạt cho tồn tại trường hợp nào thì tất yếu sẽ tạo ra tiền lệ xấu và không có sức răn đe, dẫn đến sai phạm vẫn tiếp tục sai phạm.

Bên cạnh đó, khái niệm “đất công” phải được bổ sung vào Luật Đất đai, bao gồm đất chưa sử dụng; đất nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; đất sử dụng vào mục đích công cộng và đất do các tổ chức của nhà nước sử dụng... Đồng thời phải nâng cao năng lực của tổ chức phát triển quỹ đất, chuyển sang hình thức doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp toàn bộ đất công.

“Chúng ta phải mở cửa cho người dân tham gia giám sát bởi mọi ngóc ngách đều có mặt người dân. Việc mở cửa tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân thì tự khắc người dân sẽ tham gia giám sát và sẽ phát hiện những sai phạm” – GS. Võ nhấn mạnh.