Kế toán môi trường tại Việt Nam và định hướng phát triển
Vấn đề bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống đang trở thành mối quan tâm của không chỉ ở từng cá nhân mà toàn xã hội, dẫn đến những đòi hỏi tất yếu cần phải có thông tin kế toán môi trường trong các doanh nghiệp. Những năm trở lại đây, kế toán môi trường được nhìn nhận như là một công cụ hữu ích trong việc cung cấp các thông tin về môi trường ngoài các thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh, làm cơ sở cho các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cũng như mức độ thỏa mãn các tiêu chuẩn hoặc luật lệ môi trường. Bài viết trình bày một số nội dung cơ bản về kế toán môi trường cũng như định hướng phát triển kế toán môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới.
Một số vấn đề cơ bản về kế toán môi trường
Sự cần thiết của kế toán môi trường đối với doanh nghiệp
Kế toán môi trường (KTMT) là lĩnh vực mới đang phát triển nhằm tìm kiếm, cung cấp các thông tin quan trọng và cần thiết về các chi phí và doanh thu có liên quan đến môi trường, hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), các chủ dự án trong việc ra các quyết định kinh tế, khuyến khích họ nỗ lực trong việc sử dụng tài nguyên, kể cả tài nguyên thiên nhiên do con người tạo ra một cách có hiệu quả và hạn chế tối đa sự hủy hoại môi trường, hạn chế rác thải và sự ô nhiễm, thay đổi các hành vi đối xử với môi trường sống.
Sự thay đổi trong nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN trước các vấn đề môi trường đã đặt kế toán DN truyền thống trước thách thức là làm sao và bằng cách nào có thể kế toán các yếu tố môi trường? không chỉ thông qua vai trò có tính truyền thống là ghi chép và báo cáo các thông tin tài chính mà còn thể hiện được vai trò của kế toán như là công cụ trợ giúp hữu hiệu cho các nhà quản trị trong quản lý các vấn đề môi trường trong phạm vi từng đơn vị kinh tế. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của KTMT là tất yếu nhằm đáp ứng các đòi hỏi về thông tin môi trường trong hoạt động của DN ở cả lý luận và thực tế.
Lịch sử hình thành kế toán môi trường
KTMT là vấn đề khá mới ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện ở các nước phát triển từ nhiều thập niên. KTMT xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1972, sau Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Stockhom (Thụy Điển) vào năm 1972 nhưng chú trọng vào việc hạch toán ở cấp độ quốc gia, chưa đề xuất các phương án thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về KTMT trên góc độ từng DN.
Tại Mỹ, năm 1992, Ủy ban Bảo vệ môi trường tiến hành dự án về KTMT với nhiệm vụ khuyến khích và thúc đẩy DN nhận thức đầy đủ các khía cạnh về chi phí môi trường, mối quan hệ giữa chi phí môi trường và các yếu tố về môi trường trong quyết định kinh doanh. Khuôn mẫu về KTMT được xây dựng trên cơ sở hệ thống Luật chính sách về môi trường quốc gia như Luật làm sạch môi trường, Luật làm sạch nước, Luật về các loài nguy hiểm, Luật Sarbanes - Oxley, Luật Tái chế và rác thải, Luật các khoản nợ môi trường... Ngoài ra, các DN tại Mỹ phải thực hiện thêm các quy định liên quan đến KTMT theo chương trình bảo vệ môi trường của quốc gia (EPA), thực hiện báo cáo và công bố thông tin liên quan theo quy định của Ủy ban Chứng khoán (SEC) và Hội đồng Chuẩn mực Kế toán tài chính (FASB).
Một trong số những chức năng của kế toán môi trường là nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu kết hợp sản xuất với phát triển bền vững với môi trường thì có thể tạo ra những giá trị lớn hơn trong tương lai.
Tại châu Âu, việc thực hành KTMT chưa có tính bắt buộc, có nghĩa là không thuộc phạm vi mang tính chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, một số quốc gia như Anh, Pháp, Đan Mạch đã đưa ra quy định buộc DN phải công bố báo cáo về môi trường. Tháng 4 năm 2014, Ủy ban Châu Âu đưa ra quy định các DN có quy mô lớn (trên 500 lao động) phải cung cấp thông tin bổ sung về các vấn đề xã hội và môi trường liên quan đến chính sách, rủi ro, hệ quả.
Tại Nhật Bản, KTMT được Bộ Môi trường tiến hành nghiên cứu từ năm 1997. Năm 1998, Viện Kế toán công chứng Nhật Bản nghiên cứu tình hình sử dụng thông tin chi phí môi trường để quản trị các vấn đề về môi trường. Năm 1999, KTMT lần đầu tiên được áp dụng chính thức tại Nhật Bản. KTMT được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở của hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ. Bộ Môi trường chú trọng đến KTMT trên khía cạnh cung cấp thông tin về môi trường cho các đối tượng bên ngoài DN, Bộ Công thương chú trọng đến KTMT trên góc độ cung cấp thông tin về môi trường cho các nhà quản lý trong nội bộ DN. Bên cạnh đó, các DN luôn thể hiện tính tích cực trong xây dựng và hoàn thiện KTMT. Các quy định nền tảng xuất phát từ Khung hướng dẫn KTMT (Environmental Accounting Guidelines).
Kế toán môi trường là gì?
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về KTMT, tuy nhiên, thông thường, KTMT được tiếp cận trên ba cấp độ: KTMT toàn cầu, KTMT quốc gia và KTMT DN. Trong KTMT DN lại được phân loại thành kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường. Bài viết này, tác giả đề cập đến KTMT dưới góc độ DN. Theo đó, KTMT có thể được hiểu là một phần của công tác kế toán DN, có nhiệm vụ thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về kinh tế, môi trường của DN phục vụ cho việc ra quyết định kinh tế.
Kế toán tài chính về môi trường cung cấp thông tin và báo cáo tài chính về các giao dịch, sự kiện liên quan tới môi trường của DN có tác động hoặc có khả năng tác động tới kết quả hoạt động của DN đó; đối tượng sử dụng báo cáo là các đối tượng bên ngoài DN.
Kế toán quản trị môi trường, theo quan điểm của Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UNDSD), là công việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: (1) Thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải), và (2) Thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường. Khái niệm này đã được hơn 30 quốc gia thừa nhận, đồng thời được Liên đoàn Kế toán quốc tế IFAC sử dụng trong tài liệu hướng dẫn về Kế toán quản trị môi trường vào năm 2005.
Vai trò của kế toán môi trường
Thứ nhất, tiết kiệm chi phí cho DN. Một trong số những chức năng của KTMT là nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong DN. Ví dụ, KTMT thực hiện nghiên cứu, tìm ra các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; nghiên cứu hệ thống xử lý rác thải, tìm kiếm nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động chung toàn DN. Trên thực tế, DN khi chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu kết hợp sản xuất với phát triển bền vững với môi trường thì có thể tạo ra những giá trị lớn hơn trong tương lai.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Việc áp dụng KTMT sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, tránh được những chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục... Mặt khác, thực hiện tốt KTMT sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất. Thực hiện tốt KTMT giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến giảm giá thành, giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.
Ngoài xây dựng hình ảnh và uy tín đối với khách hàng, DN với chính sách môi trường bền vững có khả năng thu hút và giữ chân nhân viên có năng lực cao hơn. Một khảo sát được thực hiện năm 2012 bởi UBM chỉ ra rằng 90% người được hỏi sẵn lòng làm việc cho các DN có chiến lược môi trường bền vững và đồng ý rằng những giá trị phát triển bền vững là một nhân tố quan trọng để quyết định khi tìm kiếm một nơi làm việc mới.
Thứ ba, nâng cao vị thế của DN, củng cố và làm hài lòng các mối quan hệ. DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Việc áp dụng tốt KTMT vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan vì các cơ quan nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. DN sẽ được nhiều ưu đãi từ những cơ quan nhà nước cũng như tổ chức môi trường khi thực hiện tốt công việc này.
Những khó khăn khi thực hiện kế toán môi trường tại Việt Nam
Trước bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế sâu rộng, vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng đã được Việt Nam quan tâm và chú trọng triển khai. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005. Tiếp đó, ngày 15/11/2010, Luật Thuế bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Trên cơ sở đó, ngày 08/08/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính ban hành các thông tư: Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư 152/2011/TT-BTC; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.
Dù cơ quan quản lý đã quan tâm đến việc bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, song trong quá trình thực hiện KTMT tại Việt Nam thời gian qua, các DN vẫn gặp phải một số khó khăn như:
- Việt Nam hiện chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc tổ chức KTMT trong DN.
- Việt Nam có quá ít chuyên gia cũng như tài liệu nghiên cứu tổng quan về vấn đề KTMT. Nguồn số liệu - cơ sở để thực hiện hạch toán môi trường còn thiếu. Số liệu về sử dụng tài nguyên cho các hoạt động kinh tế với chức năng là đầu vào của sản xuất tuy có được hạch toán nhưng chưa đầy đủ. Việt Nam chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia (thông tin về tài sản môi trường. Ví dụ: tài nguyên nước, khoáng sản, rừng; các công nghệ xử lý chất thải; các bộ tiêu chuẩn môi trường trong từng ngành, lĩnh vực…) làm cơ sở cho hạch toán.
- Chưa cơ quan có trách nhiệm nào công bố mức chi tiêu hàng năm cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Sở dĩ như vậy vì chi tiêu cho hoạt động này của nước ta chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước và được phân bổ cho nhiều bộ, ngành có chức năng thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...
- Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường như: thuế tài nguyên, phí ô nhiễm chưa được áp dụng phổ biến. Các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu, chưa đồng bộ. Các DN, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm chưa buộc phải chi trả theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí.
- Nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN, tổ chức đối với cộng đồng còn thấp. Nhân tố môi trường hầu như chưa được tính đến trong các phương án sản xuất kinh doanh của các DN.
- Công tác đào tạo các chuyên gia hoặc kế toán viên có kiến thức về KTMT còn rất hạn chế, chưa xây dựng được một đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp về lĩnh vực môi trường.
- Hiệp hội nghề nghiệp về kế toán chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức về môi trường để xây dựng được một quy trình, phương pháp riêng đối với KTMT.
Một số định hướng phát triển kế toán môi trường tại Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, việc áp dụng KTMT vào kế toán Việt Nam là rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững đối với các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau:
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp
Việt Nam chưa có được các công cụ hữu hiệu trong quản lý môi trường, các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu và chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia (tài nguyên nước, khoáng sản, rừng; các công nghệ xử lý chất thải; các bộ tiêu chuẩn môi trường trong từng ngành, lĩnh vực...) làm cơ sở cho quá trình hạch toán... Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung vào thực hiện một số nội dung sau:
- Tăng cường xây dựng các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến môi trường và quản lý môi trường chặt chẽ và rõ ràng hơn nhằm tạo nền tảng cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Một hệ thống chỉ tiêu trong báo cáo môi trường được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tính đến điều kiện đặc thù của các DN trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý môi trường, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN thực hiện tốt hoạt động BVMT.
- Phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về KTMT, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Các chuẩn mực này cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển ứng dụng hiệu quả KTMT như Hoa Kỳ, Nhật Bản... nhằm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
- Có cơ chế khuyến khích, hướng dẫn DN từng bước áp dụng KTMT trong hoạt động của DN.
Về phía các doanh nghiệp
- Thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội của mình đối với vấn đề môi trường. Các nhà quản trị DN cần thường xuyên quan tâm cập nhật và thực hiện KTMT trong các DN, nhất là đối với các DN sản xuất.
- Chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho bộ máy kế toán, trong đó có KTMT. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, KTMT thường được áp dụng tại các DN có quy mô lớn có nguồn tài chính dồi dào và chính sách hoạt động nghiêm ngặt. Đối với các DN Việt Nam, trong giai đoạn đầu, nên được thử nghiệm công tác KTMT tại một dây chuyền hoặc một bộ phận trước khi tiến hành áp dụng đại trà cho toàn bộ DN cho phù hợp với điều kiện hoạt động của DN mình
- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm.
Về phía các cơ sở đào tạo
Công tác đào tạo về KTMT ở nước ta vẫn còn hạn chế. Hiện nhiều cơ sở đào tạo đại học đã tổ chức giảng dạy về KTMT, tuy nhiên, xét về khía cạnh giáo dục và đào tạo, KTMT được đưa vào giảng dạy một cách sơ sài trong chương trình của ngành quản lý môi trường. Bên cạnh đó, trong xu hướng chung của cơ chế tự chủ tài chính do Chính phủ đề ra, các trường sẽ tập trung đào tạo các lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu cao. Hiện nay, do KTMT chưa được DN quan tâm, nên việc đào tạo môn này tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế là điều khá dễ hiểu. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh việc đưa môn học KTMT, kế toán quản trị môi trường vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ đó giúp chúng ta xây dựng được một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao về vấn đề này.
Tóm lại, bảo vệ môi trường và KTMT là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, đồng thời cũng hết sức khó khăn và nhiều thách thức. KTMT sẽ là một công cụ cần thiết không chỉ giúp DN đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc vận dụng và phát triển KTMT cho Việt Nam sẽ góp phần quản lý chi phí, gia tăng lợi nhuận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo lập bước đi vững chắc cho các DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Paul D. Hutchison (2000), University of North Texas, Environmental Accounting: Issues, Reporting, and Disclosure, article in Journal of Applied Business Research, Jan. 2000;
2. Sandra Jankovic, Dubravka Krivacic (2014), Environmental accounting as perspective for hotel sustainability: Literature review;
3. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ke-toan-moi-truong-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-trong-xu-the-day-manh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-137731.html;
4. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/van-dung-ke-toan-moi-truong-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-hien-nay-133900.html;
5. http://www.cdcdlaocai.edu.vn/index.php/en/faculties-and-departments/faculties-and-departments/faculty-of-economic/exchange-experience;
6. http://www.hoiketoanhcm.org.vn/vn/trao-doi/ke-toan-moi-truong-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam/;
7. http://vaa.net.vn/Tin-tuc/Tin-chi-tiet/newsid/4011/KE-TOAN-MOI-TRUONG-THUC-TRANG-VA-DINH-HUONG-UNG-DUNG-O-VIET-NAM;
8. http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/53536/Ke-toan-moi-truong-va-su-phat-trien-ben-vung-cua-doanh-nghiep.