Kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam
Doanh nghiệp và xã hội là các thực thể có mối quan hệ hai chiều, mật thiết với nhau. Doanh nghiệp nhận các lợi ích từ xã hội, được xã hội tạo các điều kiện cần thiết để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó cần thực hiện các trách nhiệm đối với xã hội. Đây là thuật ngữ phổ biến trên thế giới, tuy nhiên vẫn còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam.
Thực hiện báo cáo phát triển bền vững và kế toán trách nhiệm xã hội đã trở thành xu hướng đang được khuyến khích tại các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xây dựng nói riêng… Bài viết trình bày một số nội dung tổng quan về kế toán trách nhiệm xã hội, sự cần thiết phải thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội cũng như gợi ý một số nội dung trong thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam.
Tổng quan về kế toán trách nhiệm xã hội
Kế toán trách nhiệm xã hội là gì?
Kế toán trách nhiệm xã hội (KTTNXH) là khoa học quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép, phản ánh, tổ chức, xử lý và phân tích thông tin về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN). KTTNXH cam kết các trách nhiệm như: Bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng xã hội, bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng...
KTTNXH ghi nhận nguồn lực của một DN tạo ra giá trị gia tăng không chỉ phụ thuộc vào vốn sản xuất, vốn tài chính, mà còn phụ thuộc vào vốn con người, xã hội và tự nhiên. Điều này có nghĩa là, các khoản chi trả cho người lao động, chi bảo vệ môi trường và chi cho các chương trình cộng đồng có thể được tái đầu tư vào các tài sản và tạo ra của cải cho DN.
Như vậy, KTTNXH phản ánh, lượng hóa thông tin về kinh tế, xã hội, môi trường của DN nhằm cung cấp cho các nhà quản trị và các đối tượng khác có liên quan đến DN. KTTNXH bao gồm cả kế toán tài chính và kế toán quản trị về TNXH.
Nội dung cơ bản của kế toán trách nhiệm xã hội
Trên thế giới đã có nhiều tài liệu hướng dẫn về KTTNXH. Tuy nhiên, tựu chung lại, nội dung cơ bản của KTTNXH bao gồm: Hạch toán tài sản và nguồn vốn; hạch toán doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động; hạch toán các tài sản, nợ phải trả, hạch toán dòng tiền liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội, ở phạm vi tác động bên trong và bên ngoài DN. KTTNXH ghi nhận nghiệp vụ kế toán ở các nội dung cơ bản sau:
(i) Các chi phí về xã hội bao gồm: Chi phí chăm sóc sức khỏe, đào tạo và phát triển nhân viên; chi phí chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; chi phí đóng góp cho phát triển cộng đồng; chi phí hoạt động từ thiện; tiền phạt do vi phạm về chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước; chi phí phát sinh từ những vụ kiện về trách nhiệm dân sự, hình sự do tranh chấp xã hội, chi phí phát sinh từ đình công, bất ổn chính trị...
(ii) Thu nhập, lợi ích xã hội bao gồm: Thu nhập tăng lên do uy tín của DN đóng góp vào sự phát triển cộng đồng, do chăm sóc khách hàng, do quan tâm đến lợi ích người lao động, do sản xuất sạch, do sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường; thu nhập tăng lên từ tiết kiệm chi phí bảo hiểm do cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động: thu nhập từ việc tránh được những khoản nộp phạt do vi phạm luật, thu nhập từ các giải thưởng, trợ cấp của Chính phủ về thành tích phát triển cộng đồng, xã hội.
(iii) Các tài sản của DN bao gồm: Các tài sản hữu hình và các tài sản vô hình như thương hiệu, sự trung thành của khách hàng, quy trình quản lý, văn hóa DN, kỹ năng làm việc của người lao động ...
Cơ sở xây dựng hệ thống kế toán trách nhiệm xã hội
Hệ thống KTTNXH gắn liền với sự phân cấp về quản lý. Nếu không có sự phân cấp quản lý thì sẽ không tồn tại hệ thống kế toán trách nhiệm hay hệ thống kế toán trách nhiệm sẽ không có ý nghĩa. Phân cấp quản lý là sự phân chia quyền lực từ cấp trên xuống cấp dưới, quyền ra quyết định và trách nhiệm được trải rộng trong toàn tổ chức. Mỗi đơn vị hoặc bộ phận của tổ chức có một nhà quản lý chịu trách nhiệm về những kết quả tài chính cụ thể của đơn vị hoặc bộ phận. Một đơn vị hoặc bộ phận như vậy gọi là một trung tâm trách nhiệm. Các đơn vị hoặc bộ phận trong một tổ chức có thể phân loại thành một trong bốn loại trung tâm trách nhiệm, bao gồm: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận và trung tâm đầu tư.
Sự cần thiết của kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam
Sự cần thiết của KTTNXH ở các DN xây dựng tại Việt Nam xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, thông qua KTTNXH, nhà quản trị các DN xây dựng có thể đánh giá chất lượng về kết quả của hoạt động của những bộ phận của đơn vị. Căn cứ vào đó sẽ đo lường được kết quả hoạt động của nhà quản lý bộ phận, cũng như thúc đẩy các nhà quản lý bộ phận điều hành bộ phận của mình theo phương thức thích hợp theo mục tiêu cơ bản của tổ chức đã đề ra.
Thứ hai, KTTNXH được coi là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong DN xây dựng. Việc chú ý thực hiện nội dung KTTNXH sẽ giúp các DN xây dựng phát huy tối đa nguồn lực hiện có và phát triển một cách bền vững.
Thứ ba, KTTNXH giúp xác định sự đóng góp của từng đơn vị, bộ phận vào lợi ích của toàn bộ tổ chức, cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng về kết quả hoạt động của những nhà quản lý bộ phận, đo lường kết quả hoạt động của các nhà quản lý và cách thức thực hiện hành vi của họ.
Thứ tư, trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, các DN nói chung và các DN xây dựng nói riêng muốn tồn tại và phát triển phải không ngừng nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng việc sử dụng kết hợp các công cụ quản lý kinh tế một cách hài hoà và khoa học. Trong hệ thống công cụ đó, KTTNXH được xem như là "vũ khí" để các DN khai thác và vận dụng bởi tính hiệu quả của nó.
Một số gợi ý khi tổ chức kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam
Để hệ thống KTTNXH là công cụ hỗ trợ việc kiểm soát quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, các DN xây dựng cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Một là, phân quyền quản lý theo nhóm trách nhiệm. Việc phân chia các trung tâm trách nhiệm sẽ tạo ý tưởng cho lãnh đạo DN trong việc thiết lập một mô hình với cơ cấu hợp lý nhất, khoa học nhất, phân chia trách nhiệm quản lý trong các khâu từ lập kế hoạch, phân tích đến báo cáo, tách bạch theo từng hoạt động, tạo sự thuận tiện cho quá trình quản lý.
Hai là, xây dựng bộ máy kế toán để hoàn thiện việc xử lý thông tin trong các trung tâm trách nhiệm. Hiện nay, phần lớn các DN xây dựng đa phần chỉ tập trung vào kế toán tài chính và kế toán tài chính dựa trên cơ sở các định mức hiện vật và lao động để xây dựng định mức. Việc xây dựng dự toán mới chỉ dừng lại ở kiểu dự toán tĩnh chứ chưa lập dự toán linh hoạt. Đặc biệt, những DN xây dựng có tình hình sản xuất kinh doanh không ổn định thì việc lập dự toán linh hoạt càng có ý nghĩa quan trọng.
Ba là, xây dựng các trung tâm trách nhiệm, bao gồm:
Trung tâm chi phí: Là trung tâm trách nhiệm mà nhà quản lý chỉ chịu trách nhiệm hoặc chỉ có quyền kiểm soát về chi phí mà không có quyền kiểm soát về doanh thu, lợi nhuận hay đầu tư. Tại các DN xây dựng, trung tâm chi phí có thể là một đội xây lắp hoặc một công trình xây lắp.
Trung tâm doanh thu: Là trung tâm trách nhiệm mà người quản lý chịu trách nhiệm về doanh thu, không chịu trách nhiệm về lợi nhuận hay vốn đầu tư. Tại các DN xây lắp, trung tâm doanh thu có thể là phòng kinh doanh.
Trung tâm lợi nhuận: Là chu trình trong tổ chức mà người quản lý chịu trách nhiệm toàn bộ từ doanh thu, chi phí đến kết quả hoạt động. Tại các DN xây lắp, trung tâm lợi nhuận có thể là một chi nhánh của công ty, một công ty được Tổng công ty giao thầu xây lắp một dự án…
Trung tâm đầu tư: Là nơi nhà quản trị hoạch định, kiểm soát về toàn bộ hoạt động của đơn vị, quá trình đầu tư tài sản. Tại các DN xây dựng, trung tâm đầu tư có thể là dự án lựa chọn đầu tư, hay công trình tham gia đấu thầu…
Bốn là, tổ chức lập dự toán tại các trung tâm trách nhiệm, các dự toán được lập cần xây dựng chi tiết, phù hợp với đặc thù từng DN xây dựng và phục vụ tốt cho việc kiểm soát thông tin. Mẫu biểu DN có thể tự thiết kế phục vụ cho công tác quản trị DN. Cụ thể như sau:
- Dự toán tại trung tâm chi phí: Các dự toán tại trung tâm chi phí của các DN xây dựng nên phân loại chi phí thành: Biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp. Để phục vụ cho việc lập dự toán về giá thành, dự toán tiền và dự toán xác định kết quả kinh doanh theo dạng số dư đảm phí và các dự toán khác… Dự toán tại trung tâm chi phí nên linh hoạt với nhiều mức độ hoạt động khác nhau để xác định chi phí dự kiến cho mức độ hoạt động thực tế biến động, việc này rất có ích trong việc so sánh với chi phí thực tế phát sinh.
- Dự toán tại trung tâm doanh thu: Dự toán doanh thu tại các DN xây dựng nên được giao cho các nhân viên phụ trách từng công trình xây lắp. Kế toán trách nhiệm doanh thu nên xây dựng dự toán dựa vào số liệu năm trước và xây dựng chi tiết đến từng công trình, hạng mục công trình, cuối cùng là điều chỉnh theo các xu hướng biến động ở hiện tại ví dụ biến động về lãi suất, tỷ giá….
- Dự toán tại trung tâm lợi nhuận: Dự toán tại trung tâm này nên dựa vào dự toán trung tâm chi phí và doanh thu cho phù hợp, dự toán tại trung tâm lợi nhuận nên lập theo dạng số dư đảm phí. Cách lập này rất ý nghĩa đối với nhà quản trị nội bộ vì nhấn mạnh đến cách ứng xử của chi phí.
Năm là, tổ chức hệ thống báo cáo và các chỉ tiêu đánh giá các trung tâm trách nhiệm. Tổ chức hệ thống báo cáo của từng trung tâm trách nhiệm là một công việc quan trọng trong quá trình sử dụng công cụ KTTNXH của từng bộ phận. Các báo cáo thực tế được lập cần phải có sự phân tích và đánh giá trách nhiệm cũng như thành quả của từng bộ phận, từng cấp quản lý. Qua đó, nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực quản lý từng cấp, từng trung tâm. Tổ chức hệ thống báo cáo và các chỉ tiêu đánh giá các trung tâm trách nhiệm bao gồm: Hệ thống báo cáo và chỉ tiêu tại trung tâm chi phí, tại trung tâm doanh thu, tại trung tâm lợi nhuận và tại trung tâm đầu tư.
Như vậy, việc nhận thức rõ những lợi ích mà KTTNXH mang lại sẽ giúp các DN Việt Nam nói chung và các DN xây lắp nói riêng tổ chức xây dựng được một hệ thống KTTNXH có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của DN và thực hiện được các mục tiêu của DN, cũng như góp phần thực hiện được các trách nhiệm của DN với xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1.Lê Thị Bảo Như và Nguyễn Thị Phương Thảo (2020), “Thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội tại Việt Nam”. Tạp chí Công Thương;
2.Huỳnh Đức Lộng (2020), “Kế toán trách nhiệm xã hội”, Tạp chí Kế toán và kiểm toán;
3.Trần Thị Mỹ Châu (2020), “Vai trò kế toán trách nhiệm trong hoạt động quản trị doanh nghiệp”, Tạp chí Tài chính;
4.Lê Kim Ngọc, “Kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”;
5.Amir Barnea & Amir Rubin (2010), Corporate Social Responsibility as a Conflict Between Shareholders. Journal of Business Ethics, 97, 71-86;
6.Barbara Beliveau, Melville Cottrill & Hugh M. O'Neill (1994), Predicting corporate social responsiveness: A model drawn from three perspectives. Journal of Business Ethics, 13, 731-738.
(*) ThS. Nguyễn Thị Vân Anh, ThS. Vũ Thị Thanh Hà - Học viện Tài chính.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 9/2021.