Tác động từ đại dịch covid-19 đến hoạt động kế toán tại Việt Nam
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2020, đến nay đã lan rộng đến tất cả các tỉnh, thành cả nước. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động rõ rệt nhất, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kế toán.
Phân tích các tác động của đại dịch Covid-19 tới bộ máy kế toán, xử lý kế toán và công bố thông tin, bài viết đưa ra một số kiến nghị đối với hoạt động kế toán nói riêng và doanh nghiệp nói chung vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên khắp thế giới, hiện đã tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đây là cú sốc lớn, ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ở hầu hết các nhóm quy mô, loại hình, lĩnh vực hoạt động khác nhau bao gồm: Du lịch, bất động sản, nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, sản xuất, dịch vụ...
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng với 59.800 DN. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường. Nguyên nhân xuất phát từ những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.
Điển hình như: Gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm đơn hàng, giảm sản lượng, rủi ro trong thu hồi công nợ, mất cân đối dòng tiền, mất khả năng thanh toán; thiếu hụt nguồn lực; giảm việc làm… Trước những tác động tiêu cực của đại dịch, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN và người dân như: Hàng loạt chính sách thuế, tài chính hỗ trợ DN, giảm lãi suất ngân hàng, giảm giá điện… Những tác động của đại dịch Covid-19 đến DN cũng đồng nghĩa với việc tác động đến hoạt động kế toán của từng DN.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến các hoạt động kế toán tại Việt Nam
Tổ chức bộ máy kế toán
Việc giãn cách xã hội trong thời kỳ Covid-19 đã khiến cho lượng cầu sụt giảm ở nhiều lĩnh vực, từ đó dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận của đơn vị. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều DN bị phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô. Do đó, việc cắt giảm nguồn lao động là điều không thể tránh khỏi, không ngoại trừ nhân sự phòng kế toán.
Ngoài ra, lịch cách ly đột xuất đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, trường hợp đi từ vùng dịch về hoặc quy định cách ly xã hội ở từng địa phương cũng gây nên những xáo trộn trong hoạt động kế toán.
Trong bối cảnh đó, các đơn vị kế toán phải phân chia lịch làm việc cho nhân viên; số nhân sự còn lại gặp các khó khăn như tăng khối lượng công việc đảm nhận, tăng giờ làm, chậm trễ trong hoàn thành công việc do chưa thích nghi với nhiệm vụ mới, khó khăn trong hợp tác làm việc từ xa do thiếu các công cụ hỗ trợ.
Xử lý kế toán
Đối với các sự kiện diễn ra sau ngày lập báo cáo tài chính
Các DN có thể nhận biết các sự kiện liên quan đến đại dịch Covid-19 sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, nhưng trước khi báo cáo tài chính được phát hành hoặc sẵn sàng được phát hành. Những sự kiện đó có thể bao gồm sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng của đơn vị; sự phá sản của khách hàng; sự sụt giảm đơn hàng; tăng lượng hàng tồn kho; sự sụt giảm giá trị tài sản hoặc các chính sách của Nhà nước gồm: Miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ, tiền thuê đất. Vấn đề đặt ra là “Việc bùng phát dịch bệnh Covid-19 có tạo thành một sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh hay không cần điều chỉnh không?”
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 23, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính cần phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính; Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính nhưng không phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.
Trong phạm vi các sự kiện liên quan đến Covid-19 đã xác định được bằng chứng về sự tồn tại trong năm tài chính, thì đơn vị cần điều chỉnh số liệu của mình để phản ánh tác động của các sự kiện đó trên báo cáo tài chính. Mặt khác, trong trường hợp các sự kiện liên quan đến Covid-19 không cung cấp đủ bằng chứng về sự tồn tại trong năm tài chính, các đơn vị có thể cân nhắc liệu có cần thiết phải tiết lộ bản chất của sự kiện và ước tính tác động của nó trên báo cáo tài chính hay không, để tránh việc cung cấp thông tin bị sai lệch. Điều này đòi hỏi, kế toán phải xác định được bằng chứng liên quan tới đối tượng kế toán, xét trong từng bối cảnh cụ thể và thời điểm diễn ra nghiệp vụ, để đánh giá sự kiện đó có làm phát sinh các thay đổi số liệu trong báo cáo tài chính hay không.
Thực tế, đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 01/2020, tiếp tục lây lan và đến nay đã có những tác động nghiêm trọng trên nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Có thể nhận thấy, đại dịch Covid-19 cấu thành một sự kiện không được ghi nhận liên quan đến báo cáo tài chính của kỳ kế toán năm 2019. Tuy nhiên, đối với niên độ kế toán năm 2020, năm 2021 và những năm sau nữa, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của đơn vị, các khoản chi phí, doanh thu và việc định giá cụ thể sẽ phải được xem xét liên quan đến các sự kiện đã xảy ra trước hoặc tại thời điểm kết thúc năm tài chính.
Đối với các ước tính kế toán và trích lập dự phòng
Liên quan đến việc đo lường giá trị tài sản và nợ phải trả do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, một số ước tính kế toán trước đây có thể không còn phù hợp. Các ước tính này cần tuân thủ Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 29 - Thay đổi chính sách Kế toán, Ước tính Kế toán và Sai sót và Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18 - Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng.
Chẳng hạn, một số hợp đồng nhất định có thể tạo ra rủi ro khi chi phí thực hiện nghĩa vụ hợp đồng vượt quá lợi ích kinh tế nhận được do giảm sản lượng, tăng chi phí, thiếu nguồn lực lao động, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, việc chậm hoàn thành tiến độ hợp đồng cũng có thể bị phạt, khách hàng ngừng hoạt động, phá sản gây ra rủi ro thanh toán. Đơn vị cần thu thập bằng chứng, đưa ra các ước tính tin cậy về khoản nợ phải thu khách hàng tương ứng với từng loại hợp đồng và lập dự phòng khi cần thiết.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hàng. Thách thức đặt ra là việc đánh giá sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho trong điều kiện thị trường nhiều biến động có phát sinh sự kiện liên quan đến dịch Covid-19 không? Để giảm thiểu rủi ro, các đơn vị cần xem xét giá bán ước tính trong tương lai của mình có giảm hay không, chi phí nguyên liệu đầu vào có tăng hay không, trữ lượng hàng tồn kho hiện tại so với nhu cầu thực hiện hợp đồng như thế nào. Theo đó, đưa ra ước tính hợp lý về giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm và lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hoặc đánh giá lại giá trị nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm, hàng hoá khi cần thiết.
Đối với giả định hoạt động liên tục
Với tác động của việc bùng phát dịch Covid-19 về mức độ và thời gian như hiện nay, các DN có khả năng không chắc chắn được về tương lai của mình. Các tác động từ Covid-19 cần được đánh giá thông qua các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí cố định, chi phí biến đổi, các vấn đề về dòng tiền, khả năng thanh toán, khả năng tiếp cận các phương tiện tài chính tiềm năng.
Nếu không chắc chắn xác định được khả năng tiếp tục hoạt động của mình, công ty nên công bố thông tin đó càng cụ thể càng tốt. Nếu giả định hoạt động liên tục không còn được áp dụng nữa, đơn vị phải đánh giá lại giá trị tài sản, nợ phải trả và lập báo cáo tài chính trên một cơ sở thay thế. Đồng thời, kế toán cần trình bày rõ sự kiện này, cùng với lý do khiến doanh nghiệp không được coi là hoạt động liên tục và giải trình cơ sở dùng để lập báo cáo tài chính đó.
Công bố thông tin
Cho dù DN áp dụng nguyên tắc, phương pháp, chính sách kế toán nào, thì chắc chắn một điều rằng cần cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về tác động của đại dịch Covid-19 lên kết quả kinh doanh của đơn vị trên báo cáo.
Bên cạnh đó, để giúp các nhà quản trị, nhà phân tích và cổ đông đưa ra đánh giá, nhận xét chính xác hơn về định hướng trong tương lai của công ty, các doanh nghiệp cần giải thích chi tiết các biện pháp đã thực hiện để giảm thiểu rủi ro tài chính, cũng như các kế hoạch ứng phó khủng hoảng.
Kết luận
Đại dịch Covid-19 đang gia tăng cả về quy mô và thời gian, tác động tới nhiều hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động kế toán. Để thích ứng được với hoàn cảnh hiện tại, kế toán viên phải tích cực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thường xuyên các quy định về kế toán, lao động, bảo hiểm, các chính sách hỗ trợ về đầu tư, tài chính và thuế; cũng như nhanh chóng thích nghi với các phương thức làm việc mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới của công ty. Đồng thời, kế toán viên cần nắm bắt bối cảnh xã hội và DN, rà soát chặt chẽ sự vận động của dòng tiền thực tế tại đơn vị; cân nhắc và xem xét ảnh hưởng đến vốn lưu động trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, kế toán cần theo dõi sát sao các nghĩa vụ nợ và điều khoản hợp đồng để thu hồi đủ công nợ, kịp thời xác định các tình huống vi phạm hợp đồng có thể xảy ra nhằm đưa ra những xét đoán hợp lý và giảm thiểu rủi ro tài chính cho đơn vị.
Bên cạnh đó, do quy định giãn cách xã hội và việc triển khai chiến lược làm việc tại nhà, các DN nên sử dụng các cuộc họp trực tuyến, làm việc cộng tác trên nền tảng trực tuyến; sử dụng các phương thức giao dịch điện tử để giảm thiểu việc tiếp xúc bên ngoài, tiết kiệm thời gian thanh toán; đầu tư nhiều hơn vào các chương trình kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo, ứng dụng blockchain, an ninh mạng, từ đó, nâng cao hiệu quả làm việc và tính linh hoạt trong giao tiếp. DN tích cực duy trì mối liên kết chặt chẽ với khách hàng, nhân viên và đối tác chiến lược như ngân hàng, đối tác cho vay khác; Đồng thời, chủ động lập nhiều kịch bản linh hoạt ứng phó với khủng hoảng do dịch bệnh và kế hoạch duy trì các hoạt động kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
- Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS);
- Chính phủ, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;
- https://www.macintyrehudson.co.uk/uploads/gated/Covid_19_Focus_On_the_Impat_of_COVID-19_on_Financial_Statements_and_Auditors_Reports.pdf;
- https://www.mondaq.com/india/accounting-standards/1036984/outbreak-of-covid-19-financial-reporting-implications;
- https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/599/5326/bao-cao-tac-dong-cua-dich-covid-19-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam.aspx.
(*) ThS. Phan Thị Nhật Linh - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.