Kết nối cung - cầu giúp bán lẻ Việt trụ vững
Ngành công nghiệp bán lẻ ở Việt Nam có mức tăng trưởng nóng trong nhiều năm gần đây, vượt xa các con số dự báo. Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại chính là động lực tăng trưởng chính với sự lấn át của khối ngoại. Năm 2018 và các năm tới, liệu kênh bán lẻ truyền thống và các doanh nghiệp nội cung ứng cho ngành này có “vượt qua chính mình”?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho rằng việc mua sắm tại chợ và các cửa hàng truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn, cho đến thời điểm cuối năm 2017 vẫn chiếm tỷ trọng trên 70% trong ngành bán lẻ.
Kênh truyền thống vẫn có ưu thế
Chắc chắn trong 10 năm tới, theo dự báo của bà Loan, cũng chưa có sự thay đổi nhiều: “Chúng tôi chỉ hy vọng kênh bán lẻ hiện đại may lắm chiếm tỷ trọng khoảng 40% là điều đáng mừng rồi. Kênh bán lẻ trên thực tế vẫn có sức hút riêng so với các mô hình bán lẻ khác”.
Điều này gửi đến một thông điệp cho các doanh nghiệp nội địa là không phải bất cứ sản phẩm hàng hóa nào cũng cần phải bán qua hệ thống bán lẻ hiện đại hay qua hệ thống siêu thị thì mới đạt yêu cầu.
Các doanh nghiệp nội phải tìm cách đa dạng các nguồn ra, đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù ai cũng biết đưa hàng vào siêu thị sẽ quảng bá hương hiệu rất tốt, nhưng chưa chắc đó đã là kênh có hiệu quả cao về mặt kinh tế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2017 đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2016. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức.
Giới chuyên gia nhận định sự tăng trưởng tốt của ngành bán lẻ đã và đang kéo theo sự phát triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, với động thái liên tục mở rộng quy mô của các tập đoàn bán lẻ lớn thế giới vào Việt Nam cùng các hoạt động thâu tóm trong kênh bán lẻ hiện đại đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ nội ngày càng khó khăn.
Những hệ quả đầu tiên đã được nhận diện với một số lượng đáng kể các doanh nghiệp bán lẻ rời khỏi thị trường, cũng như những khó khăn của các doanh nghiệp nội trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ nước ngoài.
Mặc dù vậy, lãnh đạo AVR nhìn nhận rằng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đến với thị trường bán lẻ. Phía Hiệp hội cũng đã có những nỗ lực để kết nối, khuyến khích các thành viên là các doanh nghiệp bán lẻ ủng hộ cho hàng Việt, cam kết về tỷ lệ hàng nội địa trong siêu thị. Đồng thời, còn ký kết các thỏa thuận về việc giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu – Phân tích khối Khách hàng cá nhân, công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, tốc độ tăng trưởng bán lẻ đã liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian qua phần nào cho thấy các chính sách kích cầu đang phát huy tác dụng thúc đẩy tổng cầu tiếp tục cải thiện.
Hàng nội có “vượt chính mình”?
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, dựa vào thống kê thu nhập hộ gia đình, top 20% dẫn đầu thu nhập hộ gia đình cao có tốc độ tăng trưởng thu nhập nhanh nhất trong 4 năm trở lại đây, phù hợp với tỷ trọng ngành dịch vụ tăng.
Dựa theo đó, có thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh của các cửa hàng tiện ích (có khoảng 1.000 cửa hàng dạng này trong năm 2016). Đây là điều kiện thuận lợi phát triển mạnh cho các nhà bán lẻ hiện đại. Thế nhưng, cần phải nhìn nhận một thực tế là việc kết nối giữa các nhà sản xuất nội địa và các nhà tiêu thụ ở kênh bán lẻ hiện đại vẫn chưa thực sự bền vững.
Đứng ở góc độ là nhà bán lẻ nội địa cũng thuộc dạng lớn trong cả nước, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết qua nhiều chuyến đi kết nối cung cầu tại 35 tỉnh, thành ở khu vực Đông và Tây Nam bộ thấy rằng về vấn đề thủ tục pháp lý, các yếu tố về chất lượng sản phẩm, đa phần các nông dân, trang trại và một số doanh nghiệp sản xuất nhỏ vẫn còn ít được quan tâm.
“Nếu doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào kênh hiện đại lẫn kênh truyền thống của Satra (doanh nghiệp này đang sở hữu chợ đầu mối lớn nhất cả nước là chợ Bình Điền – PV) điều quan trọng là phải chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đăng ký mẫu mã, chất lượng… Nhưng đa phần doanh nghiệp lại gặp hạn chế trong vấn đề này”, ông Khoa băn khoăn.
Chính điều đó dẫn đến khi doanh nghiệp nội dù có nhiều sản phẩm phù hợp với hệ thống bán lẻ nhưng do chưa đáp ứng được yêu cầu nên gặp khó khăn khi tiêu thụ ở cả hai kênh truyền thống và hiện đại.
Để hoàn thiện một bộ hồ sơ thông thường đối với doanh nghiệp thì các nhà bán lẻ (như Satra) phải mất thời gian từ 15 – 25 ngày. Còn đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có điều kiện để hoàn thiện các thủ tục thì thời gian để các nhà bán lẻ muốn kết nối càng kéo dài thêm.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thể đáp ứng, bao bì còn quá khiêm tốn và xấu.
Đại diện một nhà bán lẻ chia sẻ khi làm việc với một số nhà vườn trồng bưởi da xanh ở Bến Tre, Vĩnh Long, nhiều nông dân trồng sản phẩm rất tốt nhưng lại gặp hạn chế khi không đáp ứng về các tiêu chí sản phẩm bưởi của mình. Điều này sẽ rất khó để có thể tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại.