Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế
Có thể nói, một trong những giải pháp quan trọng trong phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 là tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách tiền tệ thông qua các chương trình và gói hỗ trợ. Trong đó, sự chung sức, chia sẻ lợi nhuận của các tổ chức tín dụng (TTCD) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong chỉ đạo về các nhiệm vụ, giải pháp đã khẳng định: Điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác.
Theo đó, chính sách hỗ trợ chương trình lần này có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động thúc đẩy cả phía cung và phía cầu. Có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực…
Thực hiện chỉ đạo này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD tập trung thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là ưu tiên đầu tư vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, cho vay hỗ trợ việc làm gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội khác mà Ngân hàng Chính sách xã hội được giao nhiệm vụ làm chủ công.
Tính riêng tháng 2/2022, các TCTD đã đầu tư cho phát triển sản xuất - kinh doanh với tổng dư nợ cho vay đạt 33.900 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Đồng thời, cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch COVID-19 gần 30.000 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và có điều kiện phục hồi phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là các chương trình hỗ trợ, miễn, giảm lãi suất của Ngân hàng Agribank chi nhánh Bạc Liêu.
Tích cực và chủ động
Để thực hiện tốt chính sách tiền tệ và tham gia tích cực vào chương trình phục hồi kinh tế gắn với quyết tâm đạt tăng trưởng cao trong năm 2022 như chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và thực hiện cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
Đặc biệt, tích cực và chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ tại các TCTD. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, sẽ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích của khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng có dư nợ lớn và kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vốn vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Mặt khác, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt các thủ tục và chi phí.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ tập trung truyền thông chủ động và mạnh mẽ các chủ trương, cơ chế chính sách về điều hành chính sách tiền tệ, nhằm nâng cao sự hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, xã hội.
Trong đó, chú trọng truyền thông đến các khách hàng có nợ xấu để khách hàng hiểu rõ quyền hợp pháp của khách hàng và của TCTD đã được quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19…