Kết nối, tìm đường cho sản phẩm của 16 tỉnh miền Trung "xuất ngoại"
Hơn 300 nhà cung cấp, doanh nghiệp đến từ 16 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã giới thiệu, xúc tiến các sản phẩm đặc trưng địa phương tại Đà Nẵng để tìm cơ hội kết nối để đưa sản phẩm Việt xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Hàn Quốc…
Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Ngày 15/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương và Trung tâm xúc tiến của các địa phương tổ chức hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại".
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đại dịch bùng phát từ năm 2020 và lan rộng ra khắp các nước trên thế giới khiến nền kinh tế các nước bị ảnh hưởng.
Từ đó, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới ngưng trệ sản xuất, gián đoạn thị trường, khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.
Vì vậy, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước.
"Đây cũng là cơ hội để hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các doanh nghiệp chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế. Qua đó, các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế", ông Phú nói.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Đối ngoại miền Trung - miền Nam (Tập đoàn Central Retail Việt Nam) cho hay, thông qua thế mạnh ở mảng bán lẻ thực phẩm, Central Retail đang nỗ lực đồng hành cùng các Bộ, ban, ngành, các địa phương để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho hàng Việt.
Cụ thể, Tập đoàn đã phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan (được tổ chức liên tục từ năm 2016- 2019, hai năm vừa qua gián đoạn do dịch bệnh, dự kiến, tiếp tục tổ chức vào tháng 11 năm nay).
Đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa các sản phẩm Việt đạt chất lượng vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua khu vực trưng bày "Sản phẩm đến từ nhà cung cấp địa phương" tại các siêu thị; liên tục tổ chức các Tuần hàng Nông đặc sản Việt Nam nhằm xúc tiến tiêu thụ và quảng bá nâng cao giá trị các sản phẩm Việt tại các siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc…
"Thông qua sự kiện lần này, chúng tôi mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn và kết nối các doanh nghiệp sớm cải thiện chất lượng mẫu mã, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh để sớm có mặt tại chuỗi siêu thị của tập đoàn trên toàn quốc và xa hơn nữa là tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài", bà Hiền bày tỏ.
Đưa sản phẩm Việt ra thế giới
Dịp này, Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc tổ chức kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các nhà phân phối nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại vào các thị trường này.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Công sứ, Thương Vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam là đối tác thứ 7/15 đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ (chiếm 2,6% tổng kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ trên thế giới) và là nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ (chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước vào Hoa Kỳ).
Các nhóm hàng hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 gồm: gỗ nội thất, thuỷ sản, cao su và sản phẩm cao su…
Theo ông Hưng, ở Hoa Kỳ, chi tiêu dùng của người tiêu dùng chiếm tới 70% GDP, do vậy, bán lẻ và dịch vụ là ngành hết sức quan trọng của nền kinh tế của nước này.
Để xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ có thể thông qua các kênh như: các chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, đầu mối nhập khẩu và phân phối tại Hoa Kỳ, các kênh thương mại điện tử và cuối cùng là các nước thứ ba.
Thông qua các kênh phân phối trên, có một số nhóm mặt hàng có nhiều thế mạnh như: giày dép, dệt may, gỗ, thiết bị điện tử, thiết bị cơ khí, vật liệu xây dựng và 6 nhóm hàng hoa quả tươi đã được cấp phép gồm: nhãn, xoài, thanh long, vú sữa và chôm chôm… đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
"Đối với các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, chúng tôi thấy một số nhóm hàng có cơ hội xuất khẩu rất cao như: ca cao và các sản phẩm từ ca cao, cà phê hay các sản phẩm cà phê; bánh kẹo…", ông Hưng thông tin.
Còn ông Kim Jinmo, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng chia sẻ, công việc của đơn vị là nghiên cứu thị trường, giới thiệu các sản phẩm của Hàn Quốc đến các đối tác Việt Nam…
"Với chức năng hỗ trợ xúc tiến sản phẩm ra nước ngoài, KOTRA đã hỗ trợ giới thiệu nhiều sản phẩm của Đà Nẵng xuất sang thị trường Hàn Quốc. Thông qua hoạt động lần này, chúng tôi mong muốn tìm kiếm, hỗ trợ các doanh nghiệp Miền Trung – Tây Nguyên tiếp cận và xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc", ông Kim nói.
Giới thiệu gần 10 loại sản phẩm từ cafe hữu cơ tại chương trình, ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Vương Thành Công (Đắk Lắk) cho biết, đơn bị này đã đón các đoàn từ Vương quốc Anh, một số siêu thị, nhà phân phối tại Đà Nẵng đến trải nghiệm sản phẩm và kết nối để bàn về việc xuất khẩu, phân phối.
"Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp cận được với các nhà bán lẻ, các công ty phân phối và đặc biệt là tìm đường để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Hiện, Công ty đang xúc tiến để xuất khẩu sản phẩm đi Mỹ, EU và Nhật Bản", ông Vương nói.