Doanh nghiệp cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động tay nghề cao không dễ dàng vì không chỉ do nguồn cung đào tạo khan hiếm mà còn phải cạnh tranh thu hút giữa các doanh nghiệp.
Trên các sàn việc làm, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất liên tục đăng tuyển dụng lao động cho các vị trí cần nhân lực chất lượng cao với các vị trí quản lý, bộ phận nghiên cứu và phát triển, kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực điện tử, tự động hóa, chuyên gia năng lượng, vật liệu mới, nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và nhân viên marketing...
Tuy nhiên, việc tuyển dụng các vị trí trên không thực sự dễ dàng khi thực trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao đã tồn tại trước khi dịch COVID-19 diễn ra.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc công ty may mặc Dony cho biết, sau dịch COVID-19 điều doanh nghiệp quan tâm phát triển hàng đầu là lao động có bằng cấp, tay nghề cao, cho nên chủ trương tuyển dụng nhân sự của công ty là nhân sự giỏi - thu nhập cao, tuy nhiên nguồn nhân lực này hiện nay khá khó tìm kiếm và rất cạnh tranh nên để tuyển dụng được cũng là số ít.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh mới đây công bố dự báo nhu cầu nhân lực của 6 ngành công nghiệp quan trọng tại thành phố trong giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, giai đoạn 2022-2026, TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại.
Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm ngành cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược-cao su cần từ 271.510 đến 322.897 chỗ làm việc. Hai ngành dệt may và giày da cũng được dự báo thu hút một lượng lớn lao động có tay nghề cả hiện tại và trong tương lai.
Thống kê trong phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội gần nhất, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học - cao đẳng chiếm số lượng nhiều nhất, thứ hai là lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật và cuối cùng là chỉ tiêu tuyển dụng lao động phổ thông.
Tổng hợp từ các doanh nghiệp cho thấy, mức thu nhập cao từ 10 triệu đồng trở lên/tháng, dành cho các vị trí kinh doanh, quản lý, kỹ sư, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, khả năng chịu được áp lực công việc cao.
Mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng dành cho các vị trí việc làm kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, lao động phổ thông có tay nghề.
Đối với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng sẽ dành cho vị trí việc làm thời vụ, bán thời gian hoặc sinh viên mới ra trường, người lao động phổ thông ở các vị trí công việc tập sự, đơn giản, chưa yêu cầu chuyên môn cao.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tự đồng hóa, chuyển hướng phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại. Do đó các doanh nghiệp cũng tập trung hơn vào việc tuyển dụng các lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng.
Từ nay đến hết năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ... Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tăng tuyển dụng. Riêng một số nhóm ngành về công nghệ thông tin hay ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng liên tục.
Như vậy, việc thiếu lao động có kỹ năng là một trong những trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự ManPowerGroup Việt Nam, để thu hút người lao động doanh nghiệp cần phải có lương thưởng cạnh tranh dựa trên hiệu suất lao động. Đây là điều cơ bản giúp người lao động yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chăm sóc về sức khỏe tinh thần như môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo, khuyến khích người lao động phát huy tối đa tiềm năng bản thân, tự hào khi được sát cánh với những người lãnh đạo tận tâm, tự tin đồng hành cùng tổ chức lâu dài. Người lao động cũng cần chăm lo về thể chất như khuyến khích họ tăng cường hoạt động thể chất, thể dục thể thao ngay chính tại nơi làm việc.
Bà Thanh Lê, Giám đốc Quốc gia Công ty giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam cho rằng thay vì dành nhiều công sức cho việc đăng tuyển khắp nơi và sàng lọc nhiều hồ sơ không đạt yêu cầu thì các doanh nghiệp nên tập trung vào nhóm ứng viên phù hợp, điều chỉnh ngân sách tuyển dụng và đưa ra yêu cầu hợp lý cho các vị trí cần tuyển.
"Các doanh nghiệp nên hợp tác với một đối tác tuyển dụng có thể giúp bạn cấu trúc một quy trình tuyển dụng chuyên nghiệp và được tùy chỉnh phù hợp nhất", bà Thanh Lê gợi ý.
Với các doanh nghiệp trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch và đang phải vật lộn để đáp ứng kỳ vọng về mức lương của nhân viên, bà Thanh Lê tin rằng các phúc lợi khác ngoài lương sẽ là giải pháp thay thế khả thi. Các phúc lợi này có thể để lại ấn tượng sâu sắc hơn về mặt cảm xúc, đáng nhớ hơn và có thể đóng vai trò là động lực nội tại để giữ chân nhân viên lâu dài.