Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:
Kết quả 6 tháng đầu năm thể hiện đầy đủ, toàn diện nỗ lực của ngành Tài chính
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Tài chính, tổ chức sáng ngày 13/7.
Chủ động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ giải pháp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Hội nghị sơ kết công tác là rất cần thiết sau 6 tháng thực hiện nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao. Hội nghị tập trung đánh giá lại các kết quả đã đạt được để có giải pháp cụ thể, hiệu quả góp phần thực hiện tăng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023.
Phó Thủ tướng cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường. Đặc biệt, hậu quả của đại dịch COVID-19 nặng nề, phải mất vài năm mới khắc phục được. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều có xu hướng suy giảm, rơi vào suy thoái, rủi ro trên thị trường tài chính và tiền tệ ngày càng gia tăng…
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên không tránh khỏi bị tác động từ tình hình thế giới, dẫn đến một số khó khăn, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp…
“Trong tình hình này, ngành Tài chính có nhiều cố gắng, chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ giải pháp đề ra, kịp thời tham mưu đề xuất các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ nền kinh tế. Từ đó, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng an ninh... Tôi đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của ngành Tài chính. Kết quả này thể hiện đầy đủ, toàn diện những nỗ lực của ngành Tài chính thời gian qua”, Phó Thủ tướng nhận định.
Mặc dù, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí, song ngành Tài chính cũng đã phấn đấu quyết liệt với nhiều biện pháp nghiệp vụ để phấn đấu thu đạt yêu cầu dự toán (6 tháng thu được 54% dự toán, phấn đấu cả năm đạt dự toán); giữ vững cân đối NSNN.
Về công tác chi NSNN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong việc kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.
"Trước bối cảnh thu NSNN khó khăn, giải ngân chậm, yêu cầu phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các đồng chí đã tham mưu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ. Đồng thời, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí mua vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng; Tích cực phối hợp và tham gia đôn đốc giải ngân đầu tư công...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong những kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đánh giá cao ngành Tài chính trong việc tiếp tục kiểm soát tốt nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững và tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính. Đồng thời, tích cực, kịp thời có giải pháp và điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quản lý nhà nước, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm...
“Kết quả của sự nỗ lực, chủ động, cố gắng đó đã góp phần tạo niềm tin của Nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, sáng tạo, phấn đấu, sự cố gắng của các bộ, ngành và địa phương, cũng như toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong 6 tháng đầu năm”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính công
Theo Phó Thủ tướng, trong các tháng tới dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các ảnh hưởng từ môi trường quốc tế, áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường..., từ đó sẽ ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu ngành Tài chính.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải đề cao quyết tâm, cùng góp sức, phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính thực hiện nhất quán phương châm điều hành của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi NSNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ.
Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả. Sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023...
Một nhiệm vụ khác mà Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện trong 6 tháng cuối năm đó là tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành, nhất là chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; kết hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu do Nhà nước định giá; chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Bộ Tài chính cũng cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
Song song với đó, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân. Khẩn trương vận hành Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong quản lý hóa đơn điện tử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.
“Bối cảnh chung, môi trường trong và quốc tế còn biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức còn nhiều, công việc của năm 2023 còn lớn. Song với quyết tâm cao, phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn ngành Tài chính, tôi tin các đồng chí sẽ hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2023, tạo tiền đề tích cực cho công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và hoàn thành mục tiêu chung của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng.