Kết quả nổi bật về kinh tế đối ngoại 9 tháng đầu năm
(Tài chính) Kinh tế đối ngoại là một trong những lĩnh vực đạt được kết quả nổi bật nhất trong các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm 2013.
Mới qua 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã tương đương với kim ngạch của cả năm 2011, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đã tăng 15,7%, cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng GDP và cao hơn tốc độ tăng của hầu hết các ngành, lĩnh vực khác tính theo giá so sánh trong cùng thời kỳ.
Nguồn: Tổng cục Thống kê và ước tính của tác giả
|
Đáng lưu ý, kim ngạch các mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác xuất khẩu giảm (như than đá giảm 12,1% về lượng, giảm 25,3% về kim ngạch; dầu thô giảm 8,9% về lượng, giảm 11,8% về kim ngạch; các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế năm nay cũng tăng rất thấp (0,5%), trong đó nông sản chính giảm tới 12%, nhưng chủ yếu là do giá giảm (thủy sản, hạt điều…).
Hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu tăng cao hơn tốc độ tăng chung (khoảng 22% so với 15,7%). Trong đó, những mặt hàng có trình độ kỹ thuật-công nghệ khá, đạt kim ngạch lớn và tăng cao, như điện thoại các loại và linh kiện (đạt trên 15,14 tỷ USD, tăng 75,5%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 7,78 tỷ USD, tăng 45,3%)...; có những mặt hàng thu hút nhiều lao động, như dệt may (đạt trên 13,15 tỷ USD, tăng 18%), giày dép (đạt trên 6,07 tỷ USD, tăng 16,3%), túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (đạt gần 1,38 tỷ USD, tăng 25,1%).
Qua 9 tháng, đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì và phát triển với 24 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu lớn trong những năm từ 2011 trở về trước sang xuất siêu trong năm 2012; 9 tháng 2013 ước nhập siêu ở mức thấp (124 triệu USD), khả năng cả năm 2013 sẽ không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch (8%, tính ra là 10 tỷ USD), thậm chí có thể xuất siêu trở lại.
Với tốc độ tăng của 9 tháng và các yếu tố tác động trong thời gian tới, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt mốc 130 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra cả về kim ngạch tuyệt đối (126 tỷ USD), cả về tốc độ tăng (10%).
Đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư gián tiếp (FII). FDI đăng ký ước 9 tháng đạt trên 15 tỷ USD, tăng 36%, trong đó vốn đăng ký của các dự án mới 9,294 tỷ USD, tăng 34,7%; vốn bổ sung của các dự án cũ đạt 5,711 tỷ USD, tăng 37,9%; vốn thực hiện đạt 8,62 tỷ USD, tăng 6,4%; khả năng cả năm sẽ tăng khá cả về vốn đăng ký, cả về vốn thực hiện so với năm 2012 (tương ứng là trên 20 tỷ USD so với 16,35 tỷ USD và trên 11 tỷ USD so với 10,05 tỷ USD).
Tính từ 1988 đến 20/9/2013, đã có 21 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 1 tỷ USD vốn đăng ký và đã có 27 tỉnh, thành phố đạt trên 1 tỷ USD vốn thu hút đầu tư. Lượng vốn ODA giải ngân đạt 3,14 tỷ USD; dự báo cả năm sẽ vượt kỷ lục đã đạt được vào năm trước.
Lượng vốn FII vào thị trường chứng khoán trong 6 tháng năm nay đạt 404 triệu USD, cao gấp 8 lần cùng kỳ năm trước; gần đây tuy có tăng, giảm nhưng kỳ vọng cả năm nay vẫn tăng so với năm trước.
Lượng kiều hối chuyển về nước của Việt kiều và lao động làm việc ở nước ngoài năm 2013 sẽ là năm thứ hai đạt trên 10 tỷ USD và vượt kỷ lục cũ đã đạt được vào năm 2012 (10,5 tỷ USD).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng ước đạt trên 5,49 triệu lượt người, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm có thể vượt qua mốc 7,3 triệu lượt người. Với mức chi tiêu bình quân 1 lượt khách tương đương với năm trước (xấp xỉ 1.000 USD/lượt người) thì dự báo tổng chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam sẽ vượt qua mốc 7,3 tỷ USD, đạt cao nhất từ trước tới nay, vượt kỷ lục 6,83 tỷ USD của năm 2012.
Nhờ đạt được những kết quả tích cực trên, nên cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục có số dư, lượng dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng, bảo đảm được an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia, góp phần ổn định tỷ giá (tăng 1,32% so với tháng 12/2012, bình quân 9 tháng so với cùng kỳ chỉ tăng 0,56%), góp phần kiềm chế lạm phát (9 tháng tăng 4,63%), kiềm chế nợ nước ngoài...