Kết quả tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế
(Tài chính) Sáng 1/11, Quốc hội thực hiện chương trình giám sát chuyên đề với việc nghe và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Báo cáo được rút ra sau các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ, tổ chức giám sát tại 6 bộ, ngành, 12 tỉnh, thành phố, 3 quận, huyện và 22 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại.
Qua hơn 3 năm thực hiện, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Chất lượng, hiệu quả đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 - 2013. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010 (31,5% so với 42,7% GDP).
Trong chủ trương lớn đó, tái cơ cấu đầu tư công thể hiện ở những kết quả tích cực với một số lĩnh vực đã huy động khá mạnh vốn từ khu vực ngoài Nhà nước đầu tư vào các dự án đầu tư công, nhất là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đã huy động gần 117.000 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 1 và 3 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 14, có 16 dự án theo hình thức BOT và BT trong các lĩnh vực nhiệt điện, nước, hạ tầng đô thị. Phân bổ nguồn vốn NSNN tập trung hơn, bố trí vốn TPCP hằng năm ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách và kiên quyết cắt giảm tình trạng dự án lan tràn, thiếu hiệu quả. Vốn bố trí bình quân tăng từ 9,54 tỷ đồng/dự án năm 2012 lên 10,68 tỷ đồng năm 2013 và lên 11,04 tỷ đồng năm 2014.
Báo cáo giám sát cũng như các ý kiến thảo luận cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Đó là việc bội chi ngân sách ở mức cao, mức trả nợ công vượt ngưỡng 25% là thách thức lớn cho việc triển khai đầu tư công thời gian tới. Hệ thống chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia vào khu vực công chưa đủ mạnh. Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình thấp chưa được xử lý triệt để. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ xây dựng cơ bản đến tháng 6/2014 là 44.594 tỷ đồng của 18.376 dự án, trong đó của địa phương chiếm 87% tổng số nợ xây dựng cơ bản.
Đối với việc thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp với số cổ phần chào bán giá trị gần 19.000 tỷ đồng và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2014 đã sắp xếp 92 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 71 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau tái cơ cấu đã có sự chuyển biến tích cực về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ, hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu nộp NSNN.
Tuy nhiên, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến về phân bổ lại nguồn lực và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại, nhất là việc sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ, không thuộc diện Nhà nước cần chi phối. Tiến độ thoái vốn còn chậm so với yêu cầu, một số khoản đầu tư thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được triển khai trong tất cả các TCTD, an toàn hệ thống các TCTD được bảo đảm và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện. Hiện đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các NHTM cổ phần yếu kém. Xử lý nợ xấu NHTM đạt được nhiều kết quả ban đầu, từ năm 2012 đến tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8/2014: 3,9%. Ngoài ra, còn có 316.200 tỷ đồng giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 9/2014, VAMC đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỷ đồng từ các TCTD, bán được 1.400 tỷ đồng nợ xấu.
Điểm tồn tại, hạn chế được phản ánh là các giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu chưa được triển khai đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là các giải pháp tái cơ cấu DNNN và đầu tư công gắn với tái cơ cấu TCTD. Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các NHTM lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Trên cơ sở đánh giá báo cáo giám sát, các ý kiến trên diễn đàn Quốc hội nhấn mạnh đề nghị kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 để đến năm 2015 bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Đối với từng chủ trương tái cơ cấu, cần xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có sinh lời thay dần cho đầu tư công, quy định mức tối thiểu giá trị dự án, công trình phải kêu gọi đầu tư từ thành phần ngoài Nhà nước, trường hợp các nhà đầu tư ngoài Nhà nước không tham gia thì mới thực hiện đầu tư công. Nghiên cứu hoàn thiện các hình thức hợp tác công tư (PPP). Xây dựng đề án sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa DNNN đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách để giảm gánh nặng nợ công. Hoàn thành đúng kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN; hoàn thiện cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Rà soát để xác định hợp lý kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa đối với loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, thực hiện xã hội hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển. Xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho Công ty quản lý tài sản của TCTD. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với TCTD, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh./.