Kết quả thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025


Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 sau 5 năm thực hiện đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác tài chính – ngân sách nhà nước trong giai đoạn này đã phát huy vai trò, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các dòng vốn đầu tư mới; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước... Đây cũng là tiền đề quan trọng để định hướng kế hoạch tài chính – ngân sách giai đoạn 2021-2025.

Kết quả sau 5 năm thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020

Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 được triển khai trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề khủng hoảng nợ công ở một số nước, sự kiện Brexit, cạnh tranh địa chính trị, kinh tế, thương mại giữa một số nền kinh tế lớn; sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ; căng thẳng ở Biển Đông và gần đây là đại dịch Covid-19, cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường... tác động tiêu cực tới kinh tế, thương mại và ổn định chính trị, xã hội ở các nước.

Ở trong nước, phát huy thành tựu 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh, nhưng với một nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam cũng gặp không ít rủi ro, thách thức. Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế cùng với tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất... diễn ra phức tạp, bất thường, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân; đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội, trong 05 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đồng bộ, toàn diện và đổi mới công tác quản lý, điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN theo định hướng thị trường, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, công khai, minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế; cơ cấu lại NSNN, nợ công theo hướng bền vững; đóng góp quan trọng vào việc cải thiện các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Đặc biệt, dù năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển đất nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo nhiều giải pháp, trong đó có các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Nhờ đó, đến nay, các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14 cơ bản đều đạt và vượt, các cân đối lớn về tài chính – NSNN được đảm bảo, góp phần cải thiện dư địa chính sách tài khóa, đây chính là nền tảng cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, phòng chống đại dịch Covid-19. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN và đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

Về thu ngân sách nhà nước

Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, chính sách động viên NSNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng diện thu; điều tiết hợp lý thu nhập; khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; giảm nghĩa vụ thu; giảm thuế quan theo lộ trình hội nhập quốc tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành Tài chính.

Cùng với đó, ngành Tài chính đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; quyết liệt xử lý thu nợ thuế... qua đó vừa cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích tích tụ vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời động viên hợp lý, kịp thời các nguồn thu vào ngân sách.

Nhờ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên, trong giai đoạn 2016-2020, quy mô thu NSNN được cải thiện, bình quân đạt khoảng 25,2% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), đạt và vượt mục tiêu đề ra (23,5% GDP); tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015 (tăng hơn 3 lần so với giai đoạn 2006-2010). Tỷ lệ thu từ thuế, phí đạt khoảng 21% GDP. Đây là kết quả tích cực khi mà tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh.

Không những quy mô thu NSNN được cải thiện, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn so với tỷ trọng thu nội địa tăng dần, giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015 tương ứng là 59,5% và 68,7%, đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN, đạt kế hoạch là 84-85% tại Nghị quyết số 25/2016/QH14, đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu. Tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 là 17,5% tổng thu NSNN, giảm mạnh so với các giai đoạn trước (giai đoạn 2006-2010 tỷ trọng thu cân đối xuất nhập khẩu và dầu thô là 38,3%; giai đoạn 2011-2015 là 30%).

Đánh giá theo phân cấp NSNN, thu ngân sách địa phương (NSĐP) có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng, góp phần tăng cường tính tự chủ cho NSĐP. Tỷ trọng thu NSĐP trong tổng thu NSNN đã tăng từ 37,4% giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 45% giai đoạn 2016-2020; quy mô thu NSĐP giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 1,87 lần so với giai đoạn 2011-2015, cao hơn mức tăng quy mô thu NSNN nói chung (khoảng 1,6 lần). Số lượng các địa phương có số thu NSNN trên địa bàn vào nhóm trên 10.000 tỷ đồng, từ 5.000 nghìn đến dưới 10.000 tỷ đồng và từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng không ngừng tăng qua các năm.

Nguồn: Bộ Tài chính
Nguồn: Bộ Tài chính

Về chi ngân sách nhà nước

Trong giai 2016-2020, hoạt động chi NsNN tiếp tục hoàn thiện thể chế tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với các mục tiêu kinh tế - xã hội và mục tiêu cơ cấu lại chi ngân sách, chi đầu tư công.

Trong giai đoạn này, Quốc hội đã thông qua một số luật quan trọng như: Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư công... Nhờ đó, công tác phân bổ, sử dụng nguồn lực công đã có nhiều đổi mới về phạm vi, thẩm quyền, phương thức thực hiện, tiêu chuẩn, chế độ, định mức, vấn đề công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình...

Đặc biệt, việc áp dụng các kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm cuốn chiếu đã góp phần quản lý phân bổ nguồn lực trong phạm vi khả năng của nền kinh tế, gắn với các mục tiêu kinh tế - xã hội trung hạn, thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại chi ngân sách, chi đầu tư công, cải thiện tính dự báo, tạo sự chủ động cho các đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách; đẩy mạnh việc quản lý, sử dụng kinh phí NSNN theo phương thức khoán, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với đặc thù của các ngành, các cấp, đơn vị.

Trong giai đoạn này, quy mô chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần mức bội chi; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP); ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Đã cơ cấu lại một bước chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triên ngay từ khâu dự toán từ mức 25,7% năm 2017 lên 26,9% năm 2020 (mục tiêu đề ra là 25-26%).

Cùng với đó, giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên từ mức 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, trong điều kiện hàng năm vẫn bố trí nguồn tăng lương cơ sở, lương hưu (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp người có công khoảng 7%, thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở tăng tương ứng, tăng chi an ninh, quốc phòng...

Về cân đối ngân sách nhà nước và nợ công

Thể chế quản lý cân đối ngân sách, bội chi dần được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và thông lệ; NSNN được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên; quy định bội chi NSNN gồm bội chi NSTW và bội chi NSĐP, không bao gồm chi trả nợ gốc; vay bù đắp bội chi NSNN chỉ cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; quy định các giới hạn dư nợ vay của NSĐP gắn với thu NSĐP được hưởng theo phân cấp, với khả năng trả nợ của địa phương...

Bội chi NSNN được điều hành chặt chẽ, bình quân các năm 2016-2019, bội chi NSNN ở mức 3,3% GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn 2,72% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4%GDP. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã làm giảm thu ngân sách, trong khi phải tăng chi để phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, mức bội chi NSNN bằng 3,99% GDP, cao hơn dự toán (3,44% GDP).

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiệu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Bội chi NSNN giảm mạnh đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững. Quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP vào cuối năm 2020, các chỉ tiêu dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025

Bước sang giai đoạn 2021-2025, tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt, đại dịch Covid-19 có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả đạt được giai đoạn trước đó, nền kinh tế vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số của Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... là những lực cản cho phát triển kinh tế, tạo sức ép lớn về tài chính-ngân sách.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó đề ra các chỉ tiêu kinh tế - tài chính cơ bản như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7,0%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD. Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt 15-16% GDP; nợ công giảm dần, đến năm 2025 khoảng 47,5% GDP, nợ Chính phủ đến năm 2025 khoảng 43,8% GDP. Bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, Kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công đảm bảo an toàn, bền vững góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Để đáp ứng được định hướng trên, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần thực hiện theo 4 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN tích cực nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Thứ hai, quán triệt định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu, chi NSNN, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều tiết nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập  khu vực và thế giới trong tình hình mới.

Thứ tư, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính-ngân sách; công khai, minh bạch; đẩy mạnh trách nhiệm giải trình; tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính-NSNN.

Trên cơ sở các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xây dựng, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm 2021-2025 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.      

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội (2015), Luật Ngân sách nhà nước;

2.Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công;

3.Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội;

4.Bộ Tài chính (2018), Số liệu công khai ngân sách;

5.IMF (2018), World Economic Outlook Database, October 2018, http://www.imf.org.

(*) Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính).

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021.