Kết thúc đợt nắng nóng gay gắt, miền Bắc sắp đón không khí lạnh mới


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, từ ngày 12/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 21-23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C.

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, từ ngày 14-16/5 Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông vài nơi, ngày 16/5 sẽ chuyển tiếp giữa mát mẻ và nắng nóng.
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, từ ngày 14-16/5 Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông vài nơi, ngày 16/5 sẽ chuyển tiếp giữa mát mẻ và nắng nóng.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, diễn biến thời tiết từ cuối tháng 4 tới nay là các đợt nóng - lạnh đan xen. Từ ngày 11/5, bộ phận không khí lạnh đã tiến sát đến vùng biên giới phía Bắc nước ta.

Đến ngày 12/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 21 -23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C.

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên từ ngày 14-16/5, Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông vài nơi, ngày 16/5 sẽ chuyển tiếp giữa mát mẻ và nắng nóng.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Tiếp đó, từ ngày 17/5 khả năng nắng nóng sẽ quay trở lại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Đợt nắng nóng này kéo dài khoảng 4-5 ngày, mức nhiệt có thể lên 37-39 độ C, có nơi cao hơn.

Dự báo, sau đợt nắng nóng diện rộng này, đến cuối tháng 5 miền Bắc lại xuất hiện rãnh áp thấp tràn qua, trời dịu mát hơn dù vẫn có những ngày oi nóng.

Nhiệt độ không giảm sâu như đợt không khí lạnh đang diễn ra song nắng nóng giảm nhiệt. Trong khi đó, Nam Bộ và Tây Nguyên bước vào mùa mưa, chiều tối dễ có mưa dông, đề phòng tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ nửa cuối tháng 5, nền nhiệt có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.

Số ngày nắng nóng có xu hướng gia tăng trên khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ so với năm 2022 và so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Do tác động của nắng nóng, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm tiếp tục xuất hiện như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Theo nhận định của các chuyên gia, hình thái thời tiết nóng - lạnh đan xen sẽ còn kéo dài đến hết tháng 5. Sau mỗi đợt nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt thì lại xuất hiện không khí lạnh, đây là biểu hiện rõ nét của El Nino tái xuất.

“El Nino” là từ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương (đặc trưng bởi khu vực Nino 3.4 ) cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 độ C trở lên, thường kéo dài 8 - 12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.

Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. 

Trong những năm El Nino, trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn TBNN khoảng 28%. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).

Đồng thời, những năm này, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường.

Số đợt tần số phờ-rông lạnh, đặc trưng của các đợt không khí lạnh, qua Hà Nội của các tháng trong năm chỉ bằng 70%. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam sớm hơn bình thường.

Theo Lan Anh/kinhtemoitruong.vn