Dự án cao tốc Bắc - Nam: Không thể chậm trễ
Ngày 8/11/2017, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết của dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và không thể chậm trễ trong thực hiện.
Lẽ ra phải làm từ lâu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ dự án này. Ông cho rằng, giao thông là yếu tố rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nếu không mạnh dạn, quyết liệt đầu tư cho hạ tầng giao thông thì rất khó phát triển kinh tế đất nước, nhất là khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Chỉ cần nhìn chi phí hoạt động logistics của Việt Nam hiện rất cao, chiếm tới hơn 20% GDP cả nước, đã thấy nhu cầu phải đầu tư, phát triển hạ tầng cũng như thực hiện kết nối hạ tầng giao thông quan trọng như thế nào, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh nêu dẫn chứng.
Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: Lẽ ra chúng ta phải làm tuyến cao tốc Bắc - Nam từ lâu rồi, bởi dự án này có thể xem như “động mạch chủ” đối với nền kinh tế. Trong Nghị quyết của QH cũng đã xác định phải triển khai nhanh dự án này.
Vấn đề được quan tâm hiện nay là chọn làm trước những đoạn cấp bách nào để đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất và khả năng huy động nguồn vốn, cơ chế thu phí ra sao, bởi trước đó đã có những bài học đắt giá về hình thức đầu tư BOT.
Ở góc nhìn địa phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cũng cho rằng, đến thời điểm hiện tại triển khai dự án đã là quá muộn. Do vậy, chúng ta cần phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dù khó khăn về kinh tế, tài chính cũng phải thu xếp. Trước mắt, phải chọn làm một số đoạn cao tốc quan trọng giảm tải cho các quốc lộ đang có lưu lượng xe quá lớn, gây ách tắc, tai nạn giao thông.
Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, với tổng chiều dài giai đoạn 1 là 654km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và xây dựng công trình, Đại biểu Hà Sĩ Đồng cho biết thêm.
Cơ chế đặc thù, chọn nhà đầu tư đủ lực
Về những băn khoăn của các ĐBQH liên quan đến dự án cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Bộ đã nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam từ năm 1997 - 1998, đến năm 2016 rà soát lại tổng thể và phân kỳ, thực hiện những đoạn cấp bách trước.
Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành phố, trong đó có 8 dự án thực hiện bằng hình thức hợp tác công - tư và 3 dự án theo hình thức đầu tư công.
Về nguồn vốn đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thừa nhận trong bối cảnh hiện nay việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài không dễ dàng. “Chính phủ không bảo lãnh doanh thu tối thiểu, không bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ… thì không huy động được vốn đầu tư nước ngoài.
Muốn làm được phải có các cơ chế đặc thù, có hành lang pháp lý đầy đủ”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trong 63.000 tỷ đồng huy động xã hội hóa, vốn nhà đầu tư chiếm 15%, khoảng 13.000 tỷ đồng, còn lại 50.000 tỷ đồng huy động từ các tổ chức tín dụng.
Nếu chia ra trong 4 năm (2017 - 2020), thì mỗi năm huy động khoảng hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1%, mức này ngân hàng trong nước có đủ khả năng. “Đặc biệt, cần công khai minh bạch để huy động nguồn vốn xã hội hóa, phải tính toán lại suất đầu tư sao cho hợp lý, tìm được nhà đầu tư mạnh về vốn lẫn công nghệ, ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển ổn định, tránh tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Dự kiến lộ trình đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo 3 giai đoạn, với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 2.100km, đi qua 32 tỉnh, thành phố.
Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư làm trước các đoạn cấp bách, có nhu cầu vận tải cao với chiều dài là 654km gồm các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2. Tổng mức đầu tư sơ bộ cho giai đoạn này khoảng 118.716 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe.
Giai đoạn 3 sau năm 2025 sẽ đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.