Khắc phục khó khăn trong triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại hộ kinh doanh
Ngành Thuế đánh giá việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hộ kinh doanh là khó khăn hơn doanh nghiệp (DN). Do đó, trong quá trình xây dựng lộ trình triển khai, cơ quan thuế đã đưa ra các giải pháp cụ thể và phù hợp với thực tiễn để từng bước khắc phục những khó khăn đó.
Dành nhiều nguồn lực để tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh triển khai HĐĐT
Tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả triển khai HĐĐT toàn quốc do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT, nhất là đối với các hộ kinh doanh.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, cơ quan thuế đánh giá việc áp dụng HĐĐT đối với hộ kinh doanh là khó khăn hơn DN. Vì vậy, ngay khi xây dựng lộ trình triển khai, cơ quan thuế đã xác định triển khai cho DN trước, sau đó mới triển khai cho hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai.
Theo đó, cơ quan thuế các cấp đã dành nhiều nguồn lực để tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh triển khai. Tổng cục Thuế cung cấp cổng điện tử để các hộ kinh doanh có thể sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền trong thời gian 12 tháng kể từ thời điểm đăng ký sử dụng hóa đơn. Các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT đã chủ động xây dựng phần mềm kế toán dành cho hộ kê khai để có dịch vụ đầy đủ cho các hộ kinh doanh dễ dàng sử dụng HĐĐT.
Sự đồng hành của cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT giúp cho các hộ kinh doanh triển khai HĐĐT được thuận lợi và nhanh chóng. Các hộ kinh doanh tại 6 tỉnh triển khai giai đoạn I đã hoàn thành việc đăng ký sử dụng HĐĐT.
Khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi thực hiện giao dịch mua hàng hóa
Thực tế cho thấy, hầu hết người dân khi đi mua hàng đều không lấy hóa đơn. Lý giải về việc này, ông Đặng Ngọc Minh đã nhấn mạnh những giải pháp mà cơ quan thuế đưa ra nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi thực hiện giao dịch mua hàng hóa.
Theo đó, luật pháp đã quy định rõ về việc mua hàng hóa phải xuất hóa đơn. Hóa đơn là chứng từ dân sự để xác định mặt hàng này là do ai bán, bán bao nhiêu và là căn cứ để xử lý trong trường hợp có tranh chấp về hàng hóa.
"Trước hết đây là vấn đề về mặt nhận thức trong toàn xã hội và việc đầu tiên cần thực hiện là phải đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về việc sử dụng HĐĐT và tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc lấy hóa đơn khi mua hàng", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Với người tiêu dùng, cơ quan thuế cũng có những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, khuyến khích việc lấy HĐĐT bằng các lợi ích như: Tổ chức chương trình “Hóa đơn may mắn”. Với chương trình này, khi Tổng cục thuế nhận được HĐĐT từ các đơn vị gửi về sẽ tiến hành quay số định kỳ trên toàn quốc… Đặc biệt, cơ quan thuế đang tiến hành một chương trình lớn đó là việc tích hợp chức năng của máy tính tiền trong các trung tâm mua sắm lớn hay các nhà hàng, có kết nối với cơ quan thuế để đem lại những thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua hàng và lấy hóa đơn. Những chương trình khuyến khích người tiêu dùng lấy HĐĐT cần được triển khai từ cấp cơ sở, phải có sự vào cuộc từ cơ sở, từ các Chi cục Thuế, Cục Thuế để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hiệu quả hơn.
Cơ quan thuế cũng đã xây dựng những chế tài cụ thể, rõ ràng trong việc xử phạt vi phạm đối với các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng.
Thực hiện HĐĐT vừa là bước đột phá lớn của ngành Thuế, vừa là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số với cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử. Từ nay cho đến ngày 1/7/2022, cơ quan thuế và các Bộ, ban ngành sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ để tiếp tục nắm bắt, giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc triển khai áp dụng HĐĐT trên toàn quốc, đảm bảo việc sử dụng HĐĐT thực sự đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý của Nhà nước.