Khai thác dòng vốn từ vàng?
(Tài chính) Sau phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra ngày 31/12/2013, cho đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chưa công bố sẽ tổ chức thêm phiên đấu thầu nào.
Đối với thị trường vàng, bài toán lớn nhất phải giải là làm cách nào để người dân giảm tích trữ vàng. Lời giải này dần hé lộ khi thời gian qua giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới quá cao nên xu hướng tích trữ giảm, kéo theo chênh lệch cũng giảm xuống. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng NHNN đã có thể triển khai những giải pháp huy động vàng trong dân.
Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 mới ban hành, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN cần có các biện pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Theo thống kê của NHNN, vàng trong dân hiện khoảng 250-300 tấn, trong khi nhiều tổ chức ước tính con số này cao hơn. Giải pháp huy động vàng trong dân được đề xuất nhiều nhất là phát hành chứng chỉ vàng. Với chứng chỉ vàng, người gửi không được rút trước hạn và số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp cho các NH hoặc các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay ngoại tệ lãi suất thấp, từ đó sẽ có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, để triển khai chứng chỉ vàng cần phải xây dựng hệ thống quy trình, thủ tục chặt chẽ, nhưng cũng phải đơn giản cho người dân cùng với các quy định kèm theo như cho vay, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp trên thị trường thứ cấp, thị trường mở.
Muốn vậy phải có thêm trái phiếu vàng và sàn giao dịch vàng đễ hỗ trợ. NHNN làm đầu mối huy động cũng cần phải có sự hỗ trợ từ các chuyên gia để phân tích, dự báo diễn biến của giá vàng, các công cụ bảo hiểm rủi ro… Vì vậy, dù giải pháp huy động vàng trong dân được nhắc đến nhiều, nhưng đa số các chuyên gia đều cho rằng đây là bài toán cần phải tính kỹ trước khi bắt tay vào thực hiện.