Khai thác nguồn tài chính quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam

Xuân Hồ

Để đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp tục tăng công suất năng lượng tái tạo mạnh mẽ hơn, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Đến nay, đầu tư vào lĩnh vực phát điện tái tạo của Việt Nam hầu hết đến từ các nguồn trong nước và khu vực. Tuy nhiên, việc duy trì sự mở rộng nhanh chóng của năng lượng tái tạo phụ thuộc vào khả năng mở rộng đầu tư quốc tế của Việt Nam.

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới là cần thiết để đạt được mức phát thải bằng 0. Ảnh: Trungnam Group.
Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới là cần thiết để đạt được mức phát thải bằng 0. Ảnh: Trungnam Group.

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu vốn phát triển nguồn và lưới điện tới năm 2030 bình quân 10-11,5 tỷ USD/năm, con số này tăng lên 12-15 tỷ USD chục năm sau đó, phần lớn trong số đó sẽ được phân bổ cho năng lượng tái tạo. 

Thời gian qua, Việt Nam đã tạo ấn tượng trong việc thu hút đầu tư tư nhân trong nước để nhanh chóng tăng quy mô năng lượng mặt trời từ con số gần như không có vào năm 2017, lên hơn 16.000MW vào năm 2022.

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để đầu tư phát triển một lượng lớn năng lượng tái tạo mới cần thiết, để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050?

Số lượng và nguồn vốn tham gia các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. (Nguồn: stimson.org)
Số lượng và nguồn vốn tham gia các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. (Nguồn: stimson.org)

Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đều do các công ty trong nước phát triển. Có tới 58% số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam do các công ty trong nước phát triển, 27% khác được phát triển bởi một công ty Việt Nam hợp tác với đối tác quốc tế. Chỉ 12% (14 dự án) được phát triển mà không có đối tác dự án Việt Nam tham gia. Hầu hết các công ty nước ngoài tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam đến từ các quốc gia khác ở châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Nhật Bản và Philippines.

Vấn đề là các ngân hàng và chủ đầu tư Việt Nam chưa đủ năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong tương lai. Để có thể đạt được mức phát thải bằng 0, Việt Nam huy động được nguồn tài trợ quốc tế cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Muốn vậy, cần những cải cách trong chính sách đầu tư nhằm giải quyết một số vấn đề như:

- Kể từ năm 2017, Việt Nam đã có Biểu giá điện hỗ trợ (Feed-in Tariff - FIT) cạnh tranh cho các dự án năng lượng mặt trời, nhưng các nhà phát triển vẫn chịu nhiều rủi ro vì không được bảo đảm mua hàng, điều này không phù hợp với thông lệ và làm cho các nhà đầu tư quốc tế e ngại. 

- FIT 2017 đã cung cấp một mức giá đảm bảo cho các dự án trong một khung thời gian cụ thể. Tuy nhiên, FIT được điều chỉnh nhiều lần, thời gian dành cho các nhà phát triển quá ngắn để đáp ứng điều kiện cho FIT mới, ngược lại, đôi khi có những khoảng thời gian dài không có FIT chính thức.

- Việc đăng ký một dự án mới liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành, từ phê duyệt dự án ban đầu đến tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh đến cấp phép đất đai v.v... gây khó khăn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Năm 2020, Việt Nam đã có các chính sách về năng lượng mặt trời trên mái nhà, cho phép các công ty đầu tư vào năng lượng mặt trời để cắt giảm chi phí và giúp đáp ứng các mục tiêu phát thải. Đây là một bước quan trọng đầu tiên. Nhưng năng lượng mặt trời trên mái nhà không đủ đáp ứng các mục tiêu giảm carbon dài hạn. Nhiều công ty muốn mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất bên ngoài…

Để từng bước giải quyết những vấn đề này, tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15, mở rộng cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do Nhà nước đầu tư. Điều này giảm bớt một số rủi ro liên quan đến việc kết nối năng lượng tái tạo với mạng lưới truyền tải. Bộ Công Thương đã công bố Đề án mua bán điện (PPA) trực tiếp thí điểm kéo dài 2 năm, bắt đầu từ năm 2022.

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là ban hành PPA sửa đổi nhằm hấp dẫn các khoản đầu tư quốc tế. Đảm bảo các chính sách cấp phép và định giá trong tương lai minh bạch, rõ ràng và khoảng thời gian dài hơn cho nhà đầu tư.

So sánh quy hoạch công suất trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII trước và sau COP26 (Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam)
So sánh quy hoạch công suất trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII trước và sau COP26
(Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam)

Khi nhu cầu điện tiếp tục tăng, các PPA trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc khử cacbon trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam (là nguồn thải khí nhà kính lớn). Trong khi nhiều công ty quốc tế muốn “xanh hóa” chuỗi cung ứng của mình nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon, các PPA trực tiếp sẽ khuyến khích các công ty này đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo của riêng họ, đồng thời giảm nhu cầu trên lưới điện quốc gia.

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam áp dụng các quy định nhằm thu hút thêm nguồn tài chính quốc tế. Sau COP26, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã công bố sáng kiến ​​khử cacbon cho các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Ngay cả Trung Quốc, trước đây là nhà tài trợ lớn cho các nhà máy than, cũng đã ban hành hướng dẫn vào tháng 3/2022 về việc hỗ trợ các dự án carbon thấp bao gồm năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng.

Nếu thực hiện đúng các quy định của mình, Việt Nam có thể nhận được nguồn vốn mới đáng kể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.