Khai thác nhiều thị trường lạ
Tuy còn khá xa lạ nhưng các thị trường Nepal, Triều Tiên hay nhóm các quốc gia có tỷ lệ lớn dân theo đạo Hồi... hứa hẹn cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thông tin từ Văn phòng Chứng nhận Halal (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm đến các chi nhánh văn phòng để được huấn luyện và hoàn thành xác nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal (tiêu chuẩn riêng của người Hồi giáo: không có thành phần thịt heo, chó, các chất có cồn, không sử dụng các loại phụ gia không cho phép...).
Dư địa lớn
Hiện hàng loạt DN lớn của Việt Nam đã có chứng nhận Halal: Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam... Trong đó, DN xuất khẩu thuộc lĩnh vực thủy sản được cấp chứng nhận nhiều nhất, bởi mặt hàng này người Hồi giáo được phép sử dụng, như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thủy hải sản An Phú, Công ty TNHH Hùng Cá...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trưởng Bộ phận Marketing Văn phòng Chứng nhận Halal, đánh giá Việt Nam có lợi thế lớn trong việc khai thác thị trường Halal bởi nguồn nguyên liệu nông - thủy sản rất dồi dào. "Chỉ cần bảo đảm nguồn nguyên liệu không có thành phần thịt heo, thịt chó và ít sử dụng phụ gia nhất có thể… là đã thuận lợi trong việc xin chứng nhận Halal.
Đặc biệt, các sản phẩm thô, chưa qua chế biến cũng dễ dàng đạt chứng nhận Halal. Nếu đào tạo được đội ngũ lao động đạt chứng nhận Halal và bảo đảm an toàn thực phẩm thì cơ hội lớn cho Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu" - bà Hằng nhận định.
Trao đổi với báo chí ngày 22-5 bên lề hội thảo cơ hội đưa hàng vào thị trường Malaysia nói riêng và các nước Hồi giáo nói chung, ông Zukarine Shah Zainal Abidin, đại diện Halal International Selangor, cho hay chứng chỉ Halal có yêu cầu khắt khe hơn các chứng chỉ thông thường nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn xuất được sang thị trường Hồi giáo.
"Tất nhiên, có nhiều sản phẩm Việt Nam xuất khẩu phục vụ cho người tiêu dùng không có yêu cầu quá cao đối với Halal. Song, để xuất khẩu lâu dài, chúng tôi khuyến cáo DN Việt cần có chứng chỉ Halal để thâm nhập các thị trường, coi như chứng thư báo cho người tiêu dùng biết sản phẩm đó phù hợp" - ông Zukarine Shah Zainal Abidin nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhận xét tỉ trọng hàng hóa Việt Nam xuất sang các thị trường Hồi giáo còn hết sức khiêm tốn so với các quốc gia có nền công nghiệp Halal phát triển khác, trong khi tiềm năng thị trường lại rất lớn. Ước tính thị trường Halal toàn cầu đến năm 2030 đạt quy mô 30.600 tỉ USD; trong đó châu Á - Thái Bình Dương khoảng 1.100 tỉ USD, riêng Malaysia khoảng 228,5 tỉ USD. Dân số theo đạo Hồi cũng sẽ tăng từ khoảng 1,5 tỉ người năm 2010 lên 2,7 tỉ người năm 2050. Indonesia đứng đầu danh sách quốc gia có nhu cầu sản phẩm phục vụ người theo đạo Hồi.
Khai phá thị trường Nepal, Triều Tiên
Một thị trường khác gần đây được Bộ Công Thương chú trọng tuyên truyền nhằm đẩy mạnh xuất khẩu là Nepal. Theo Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Nepal từ năm 1975 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều chỉ ở mức 26,7 triệu USD năm 2018, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang đây 26,4 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nông sản. Thực tế, còn nhiều dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam sang Nepal bởi nước này đang trong quá trình phát triển và tăng trưởng tiêu dùng.
Với Triều Tiên, không ít DN Việt đã tìm đường xuất hàng hóa sang đây. Từ 5-7 năm trước, đã có những sản phẩm như nước rửa chén, xà bông cục, nước giặt, dầu gội đầu, các loại nước ngọt, nước giải khát mang thương hiệu Việt... đến tay người tiêu dùng Triều Tiên. Lúc đầu là bán hàng qua các nhà buôn với số lượng vài thùng nhỏ, đến giờ, trung bình mỗi tháng có DN xuất đến vài container hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng qua thị trường này.
Công ty nước giải khát Bidrico bán các sản phẩm nước giải khát đầu tiên cho người tiêu dùng Triều Tiên từ nhiều năm trước. Ban đầu với số lượng ít, dùng thử, dần dần các loại nước giải khát, nước ngọt, nước ép trái cây của Bidrico xuất hiện ngày càng nhiều ở Triều Tiên.
Trong khi đó, Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo thừa nhận thời kỳ đầu đưa hàng sang Triều Tiên, sản phẩm của công ty bị cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm khác trên thị trường. Nhưng nay sản phẩm của Mỹ Hảo đã có chỗ đứng nhất định.
Theo các DN, Triều Tiên là thị trường tương đối dễ tính nên với những sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam đưa sang có thể cạnh tranh tốt. Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đánh giá Triều Tiên là một trong những thị trường mới, tiềm năng mà Vinacas đang nghiên cứu, hỗ trợ DN tiếp cận, đẩy mạnh xuất khẩu.