Khẩn cấp "tiếp oxy" cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp du lịch, vận tải hành khách, bất động sản... gần như đã "đóng băng" hoạt động, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng đang đứng trước tình cảnh tương tự. Nếu không có những giải pháp cấp bách hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời thì việc phục hồi sau đại dịch là rất khó khăn.
Tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra rất nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu đưa 50.000 DN quay trở lại hoạt động trong năm 2021. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để giảm thiểu tối đa số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp suy kiệt "sức khỏe"
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu như: Luỹ kế khoảng 1 triệu lượt DN, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19. Khoảng 160.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất.
Có thể thấy những chính sách hỗ trợ đã có, vấn đề là tổ chức thực thi để giúp DN trên thực tế. Bởi hiện nay, đa phần các DN đang rất khó khăn, chịu tác động lớn từ đại dịch. Báo cáo của Bộ Công Thương vừa công bố về tình hình xuất khẩu đã cho thấy sự suy giảm ở nhiều ngành.
Đơn cử, ngành gỗ - vốn được xem là điển hình vượt dịch COVID-19 trong 2 năm qua, đang đứng trước bài toán suy giảm tăng trưởng. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7/2021 giảm tốc so với tháng trước do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng ở trong nước và các quốc gia châu Á, khiến các DN ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn.
Được biết, triển vọng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm rất khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và các quốc gia EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19, vì vậy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ sẽ tăng cao đáp ứng cho nhu cầu xây dựng tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường tại thị trường trong nước, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN bị đình trệ sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới.
Tương tự, với ngành thủy sản, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 8/2021 đã bị tác động mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, buộc TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu không khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh vào tháng 9/2021 thì ngành thủy sản sẽ bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi.
Cần phương án hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm DN
Ngành dệt may và da giày cũng không sáng hơn, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... là những địa phương tập trung nhiều DN da giày lớn gần như đã đóng cửa hết vì không thể thực hiện mô hình "3 tại chỗ".
"Các DN khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam, trong khi việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi vì việc di chuyển gặp khó khăn nên họ cũng không đáp ứng ngay cho DN mình. Do đó, các đối tác đã chuyển dần đơn hàng sang các nước khác", bà Xuân chia sẻ.
Báo cáo từ Hiệp hội Dệt may cũng cho thấy, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đang ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ".
Theo đó, các DN mong muốn cần có chính sách hỗ trợ DN vay tín dụng lãi suất ưu đãi vì DN hiện nay không có đơn hàng mà vẫn phải trả lãi suất cao.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các DN cần được hỗ trợ khoản vay với lãi suất tối thiểu để họ trả lương lao động. Đồng thời, cần phải có những phương án hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm DN.
Với DN quy mô lớn và trung bình, để tạo nguồn lực duy trì sản xuất, chớp lấy thời cơ khi thị trường thế giới phục hồi cần hỗ trợ họ hoạt động. Việc thực hiện kế hoạch vừa sản xuất vừa phòng dịch là rất cần thiết. Chính quyền địa phương cần vào cuộc để DN có thể duy trì hoạt động theo các phương án linh hoạt.
Đối với DN nhỏ và vừa, cần giảm gánh nặng như giảm tiền thuê đất, tiền điện, nước... để gia tăng điều kiện tồn tại của DN, hộ kinh doanh.
"Các DN Việt trụ lại được là do thị trường trong nước, còn bứt phá hay không là phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Do vậy, muốn gì thì gì, chúng ta phải giữ được chân ở trong nước, rồi có điều kiện tiếp cận và đưa ra thị trường xuất khẩu", ông Cường nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu đầu tiên là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp đó là hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để giảm thiểu tối đa số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh. Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN...