Khẩn trương phổ cập hướng dẫn thực hiện thông quan tự động
(Tài chính) Trong 2 ngày 17-18/3/2014, tại Đồng Nai, Tổng cục Hải quan đã triển khai phổ biến Thông tư 22/2014/TT-BTC (Thông tư 22) hướng dẫn thực hiện Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCSI-chính thức vận hành kể từ 1/4/2014) vừa được Bộ Tài chính ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, có nhiều điểm mới trong quy trình thủ tục hải quan.
Yêu cầu giao dịch chữ ký số
Thông tư 22 (gồm 5 Chương, 35 Điều, 3 Phụ lục) có nhiều điểm quan trọng, đổi mới thủ tục hải quan so với Thông tư 196/2012/TT-BTC.Hướng dẫn về thủ tục hải quan, Thông tư 22 yêu cầu, khi thực hiện hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS bắt buộc người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số được cơ quan hải quan xác nhận, không sử dụng tài khoản như trước (khi thực hiện hải quan điện tử trên hệ thống E-customs người khai hải quan có thể sử dụng tài khoản nếu chưa có chữ ký số).
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phải thuộc danh sách Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã được cơ quan Hải quan xác nhận tương thích với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hải quan (địa chỉ: http://www.customs.gov.vn).
Trường hợp người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua đại lý làm thủ tục hải quan hoặc ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu thì đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người nhận ủy thác phải sử dụng tài khoản đăng nhập và chữ ký số của đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người nhận ủy thác.
Theo đó, việc khai hải quan được thực hiện sau khi đã tập kết đầy đủ hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo và chậm nhất 08 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Đối với hàng hoá nhập khẩu, việc khai hải quan được thực hiện trước khi hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu.
Ngày hàng hoá đến cửa khẩu đối với trường hợp phương tiện vận tải là ngày ghi trên dấu của cơ quan hải quan đóng lên bản khai hàng hoá.
Hồ sơ và khai báo hải quan
Thông tư 22 quy định, tờ khai hải quan (dạng điện tử), trong trường hợp phải xuất trình, nộp bản giấy theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, tờ khai hải quan điện tử được in ra giấy theo mẫu Tờ khai hàng hóa xuất khẩu.
Trước khi tiến hành khai hải quan, người khai hải quan phải đăng ký với cơ quan Hải quan các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tin đăng ký trước có giá trị sử dụng và được lưu giữ trên hệ thống tối đa là 07 ngày kể từ thời điểm đăng ký trước hoặc thời điểm có sửa chữa cuối cùng. Người khai hải quan được tự sửa chữa các thông tin đã đăng ký trước trên hệ thống và không giới hạn số lần sửa chữa. Người khai hải quan tự kiểm tra nội dung thông tin phản hồi và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi sử dụng thông tin phản hồi từ hệ thống để khai hải quan.
Thông tư 22 cũng lưu ý, một tờ khai hải quan được khai tối đa 50 dòng hàng. Trường hợp một lô hàng có trên 50 dòng hàng, người khai hải quan phải khai báo trên nhiều tờ khai.
Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác nhau phải khai trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khác nhau theo từng loại hình tương ứng (Một tờ khai hải quan chỉ khai báo cho một hóa đơn).
Trường hợp kiểm tra hồ sơ nếu không phù hợp với khai báo, cơ quan Hải quan yêu cầu khai sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan, người khai hải quan thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan. Quá thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày cơ quan hải quan đưa ra yêu cầu và còn trong thời hạn hiệu lực tờ khai mà người khai hải quan không thực hiện khai sửa đổi, bổ sung thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Tỷ giá tính thuế và bảo lãnh thuếThông tư 22 quy định, tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ (Tổng cục Hải quan thực hiện cập nhật tỷ giá tính thuế vào hệ thống).
Thông tư 22 quy định, hình thức, nội dung, điều kiện bảo lãnh, theo dõi, xử lý bảo lãnh thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
Trường hợp Tổ chức cấp Thư bảo lãnh đã ký thỏa thuận phối hợp thu thuế với Tổng cục Hải quan thì tổ chức bảo lãnh gửi Thư bảo lãnh cho cơ quan Hải quan qua Cổng thông tin điện tử hải quan;
Người khai hải quan nộp bản chính Thư bảo lãnh (theo Mẫu số 19 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính) cho cơ quan Hải quan trong trường hợp Tổ chức cấp Thư bảo lãnh chưa ký kết thỏa thuận phối hợp thu thuế với Tổng cục Hải quan.
Thủ tục hải quan đối với loại hình đặc biệt
Đáng chú ý, Thông tư 22 đã dành “thời lượng” lớn (từ Điều 22 đến Điều 30) quy định chi tiết thủ tục hải quan đối với loại hình đặc biệt.
Cụ thể, Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất; Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện dự án đầu tư; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại hoặc đã nhập khẩu nhưng phải xuất trả; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.