Khẳng định hiệu quả đầu tư tín dụng “tam nông” của Agribank
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân đã dần thay đổi, từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
Trong hành trình đó, không thể thiếu sự đồng hành gắn bó và đầu tư nguồn vốn hiệu quả từ Agribank.
Chủ lực trong triển khai chính sách tín dụng phát triển “tam nông”
Số liệu thống kê từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho thấy, sau 10 năm (2008 – 2018) thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về “tam nông” và phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thu nhập bình quân của hộ gia đình ở nông thôn đã tăng từ 75,8 triệu đồng/năm (2012) lên gần 130 triệu đồng/năm (2017). Qua bình xét danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hội nông dân, hàng năm có trên 27 nghìn hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Kết quả này có được chính là nhờ có sự đồng hành, gắn bó, chung tay góp sức của toàn hệ thống chính trị, người nông dân, sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng trong ưu tiên nguồn vốn, cung ứng dịch vụ cho khu vực “tam nông”.
Là ngân hàng thương mại (NHTM) gắn với sứ mệnh “tam nông” nhận thức đầy đủ tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW, thời gian qua Agribank đã luôn khẳng định vai trò chủ lực trong triển khai các chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) và các chương trình tín dụng chính sách khác. Đến nay, sau hơn 30 năm đồng hành cùng “tam nông”, tổng tài sản Agribank đã đạt 1 triệu 200 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đạt 1 triệu 100 nghìn tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 120 nghìn tỷ đồng, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt tỷ trọng 73,6% và chiếm tới 51% thị phần tín dụng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho “tam nông”.
Mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Agribank đã triển khai rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank.
Agribank hiện đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách (Cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các Quyết định số: 63,65,68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư số 06/2009/TT-NHNN; Cho vay xây dựng nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”), cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Agribank còn phát triển mô hình ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng, cùng với trên 51.000 tổ vay vốn chính là những “cánh tay nối dài” của Agribank đến mọi bản làng, huyện đảo, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những nỗ lực đầu tư phát triển "tam nông" của Agribank được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ghi nhận: Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ngân hàng luôn đồng hành cùng với người nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể. Với tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% dư nợ của ngân hàng và trên 50% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, các chương trình tín dụng của Agribank đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước ta.
Biểu dương những đóng góp quan trọng của Agribank trong quá trình 30 năm phát triển, Chủ tịch Nước Cồng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định tặng thưởng Agribank Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (26/3/1988- 26/3/2018), Agribank đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương những thành tích xuất sắc mà Agribank đạt được trong thời gian qua, đặc biệt đánh giá Agribank đã có những đột phá trong cho vay phát triển kinh tế hộ, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân
Kiên định mục tiêu giữ vững vị trí, vai trò của Agribank trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, trong chiến lược phát triển của mình, Agribank có chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất, liên kết hợp tác với Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh và đặc biệt là phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành cùng doanh nghiệp và hộ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Lần đầu tiên trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank đã dành hẳn một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
Agribank cam kết sẽ tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển “tam nông”.
Với thực tế nhiều năm hoạt động tại lĩnh vực nông nghiệp, Agribank cho rằng, vốn là cần thiết nhưng chưa phải là vấn đề quyết định của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững mới quyết định đến quy mô và hiệu quả của hoạt động đầu tư. Hỗ trợ lãi suất cho vay với người nông dân tuy cần thiết nhưng hiện tại, quan trọng hơn cả vẫn là quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm và mạnh dạn mở rộng dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, có như vậy người nông dân mới thực sự yên tâm sản xuất, kinh doanh, đưa nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc, trở thành nền nông nghiệp lớn và hiện đại, trong đó người nông dân – chủ thể của quá trình này ai cũng xứng đáng được hưởng thành quả tăng trưởng.
Agribank đang ở giai đoạn quyết liệt chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Quá trình cổ phần hóa Agribank sẽ đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và người dân, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
- 10 năm triển khai Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Khẳng định hiệu quả tín dụng từ Agribank, Báo Dân trí;
- Agribank - Hành trình 30 năm mang dấu ấn “Tam nông”, Báo Nhân dân;
- Agribank dẫn đầu tín dụng tam nông, Báo Đầu tư;
- Các website: sbv.gov.vn, tapchitaichinh.vn, nhandan.com.vn, baodautu.vn…