Khánh Hòa: Bất cập trong kê khai, quyết toán thuế tài nguyên
Ông Lương Văn Ngà – Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, tình hình khai thác khoáng sản như cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn có diễn biến khá phức tạp. Chính sách, công tác quản lý giám sát còn hạn chế dẫn đến thất thoát tài nguyên, gây thất thu cho ngân sách.
Đại diện Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, theo quy định, việc khai thuế tài nguyên gồm: Hồ sơ khai thuế tháng là tờ khai thuế tài nguyên theo mẫu số 01/TAIN; hồ sơ khai quyết toán thuế năm là tờ khai quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cùng với đó, căn cứ để tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên, giá thuế tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên. Về giá tính thuế tài nguyên được quy định tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính. Cụ thể, “giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định”.
Như vậy, hàng tháng người nộp thuế (NNT) thực hiện khai thuế đối với toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến. Việc kê khai thuế tài nguyên hàng tháng NNT thực hiện theo mẫu số 01/TAIN. Lúc này giá tính thuế phải so sánh giữa giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế GTGT với giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.
Kết thúc năm, NNT phải thực hiện quyết toán thuế. Hồ sơ quyết toán thuế tài nguyên gồm có bảng kê kèm theo tờ khai quyết toán thuế năm mẫu số 02/TAIN, trong đó kê khai chi tiết sản lượng khai thác trong năm theo từng mỏ tương ứng với giấy phép được cấp. Số thuế tài nguyên được xác định căn cứ thuế suất của loại tài nguyên khai thác tương ứng với sản lượng và giá tính thuế.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 152/2015/TT- BTC thì: Giá tính thuế là giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tài nguyên được xác định bằng cách, lấy tổng doanh thu bán tài nguyên chia cho tổng sản lượng tài nguyên bán ra tương ứng trong năm.
Căn cứ nội dung trên, nếu trong năm, NNT luôn có giá bán tài nguyên cao hơn giá giá tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định, thì việc tính thuế theo tháng hay quyết toán theo năm đều hoàn toàn phù hợp với nhau.
Tuy nhiên, nếu trong năm có tháng NNT bán tài nguyên thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ dẫn đến chênh lệch giữa tổng số thuế kê khai hàng tháng với số thuế tài nguyên quyết toán theo năm.
Nguyên nhân này được đại diện Cục Thuế Khánh Hòa chỉ ra là do giá tài nguyên tính thuế bình quân khi quyết toán không được so sánh, đối chiếu với bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh quy định.
Phía cơ quan thuế đề nghị NNT phải xác định giá tính thuế tài nguyên và có so sánh với bảng giá do UBND tỉnh quy định. Sự chênh lệch này có thể do cách hiểu của NNT về giá tính thuế tài nguyên. Nhưng chính Điều 6 và Điều 9 của Thông tư số 152/2015/TT-BTC cũng đã gây ra cách hiểu khác nhau, có thể nói là bất cập về giá tính thuế tài nguyên trong thời gian qua.
Do đó, vấn đề này các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn rõ hơn để NNT và cơ quan thuế cùng thống nhất thực hiện.