Khi cổ phiếu vua trở lại đường đua

Theo thoibaonganhang.vn

Sự cải thiện trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư. Và vì thế cổ phiếu của nhóm ngân hàng (NH) sẽ có những tín hiệu tích cực hơn trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2016 thị trường không ghi nhận được hấp lực lớn từ cổ phiếu NH. Một trong những nguyên nhân được đại diện Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) đưa ra là nằm ở đặc tính của nhóm cổ phiếu được xem là blue-chips: sự phòng thủ, khả năng tăng giá thấp, hay khối lượng cổ phiếu lưu hành tự do lớn, chứ không phải hoàn toàn do sức khoẻ của NH.

Tuy nhiên trong báo cáo cuối năm 2016, một trong 4 xu hướng của thị trường năm 2017 được SSI Research (Công ty Chứng khoán Sài Gòn) đưa ra đó là tiếp tục cải cách NH. Cơ quan này cho rằng sự cải thiện trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư. Và vì thế cổ phiếu của nhóm NH sẽ có những tín hiệu tích cực hơn trong năm 2017.

Và thực tế cho thấy ngay từ những tháng đầu năm 2017, cổ phiếu NH đã có những tín hiệu tích cực. Trong quý I/2017, các mã cổ phiếu của các NH niêm yết đều có sự tăng trưởng, thậm chí ACB có mức tăng trên 40%. Ngày 30/12/2016 chỉ số VN-Index ở mức 719,26 điểm đã tăng lên 664,87 vào 28/3/2017 với đóng góp phần lớn của nhóm cổ phiếu NH.

Bước sang quý II/2017, ngày 7/4 VN-Index đã lên 726 điểm, tăng khoảng 9% so với đầu năm. Nhóm cổ phiếu NH đã tăng giá hơn 30%, thậm chí 50% tính từ đầu năm, gấp 3-5 lần mức tăng chung của toàn thị trường. Theo thống kê của SSI hôm 25/4/2017 các mã cổ phiếu NH như STB, SHB, CTG đóng vai trò hỗ trợ thị trường hồi phục sau phiên giảm điểm của ngày trước đó. Thanh khoản tăng mạnh trên HNX nhờ giá trị giao dịch cao bất thường của SHB (hơn 190 tỷ đồng).

Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng: Năm 2017, có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu NH. Việc có thêm những NH có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2017 sẽ giúp minh bạch hoá hệ thống NH nói chung, các nhà đầu tư cũng có thêm cơ sở và điều kiện để có những sự lựa chọn đầu tư phù hợp.

Một yếu tố cũng lý giải cho việc cổ phiếu NH tăng trưởng trở lại trong năm 2017, đó là các NH đã và đang quan tâm mạnh mẽ hơn tới quản trị rủi ro trong hoạt động của đơn vị mình. Các chuyên gia đều khẳng định, minh bạch thông tin đóng vai trò quan trọng trong hoạt động NH và tác động tích cực đến các quyết định của nhà đầu tư. Trong Basel II, một trong ba trụ cột chính là minh bạch về thông tin.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh năm 2017 được kỳ vọng cải thiện hơn ở nhóm NH có chất lượng tín dụng tốt, tích cực xử lý nợ xấu (XLNX). Nhóm phân tích thuộc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) tại báo cáo ngày 25/4 đã nâng khuyến nghị từ trung lập lên khả quan đối với nhóm cổ phiếu NH, trên cơ sở kết quả kinh doanh và xử lý nợ xấu (XLNX) của các NH tích cực.

Thực tế, một số NH đã trích lập dự phòng XLNX nhanh hơn dự kiến. Như Vietcombank, năm 2016 NH này đã thu hồi 1.900 tỷ đồng nợ xấu và đã hoàn tất trích lập dự phòng và mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2016.

Tổng chi phí dự phòng trái phiếu VAMC của Vietcombank trong năm 2016 là 2.632 tỷ đồng, chiếm 41% tổng chi phí dự phòng rủi ro của NH. Các NH khác như ACB cũng dự kiến hoàn tất XLNX nhóm G6 trong năm 2017, sớm một năm so với lộ trình được NHNN phê duyệt năm 2015. VietinBank cũng dự kiến trích lập và hoàn tất XLNX đã bán cho VAMC trong năm nay.

Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD tính đến cuối năm 2016 là 2,46%. Hầu hết các NH đã niêm yết (ngoại trừ STB - Sacombank) đã đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 về mục tiêu dưới 3%. Theo BSC, số liệu nợ xấu theo báo cáo của NHTM và con số thanh tra giám sát của NHNN đã “khớp” nhau. Số liệu nợ xấu thực tế của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH đã giảm từ mức 4,83% (cuối năm 2014) về mức 2,46% vào cuối tháng 12/2016.

Đầu năm 2017, trả lời phỏng vấn của Bloomberg Television, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có nhắc tới việc sớm nhất trong năm nay sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các NH. Thông điệp từ người đứng đầu Chính phủ được xem là động thái tích cực đối với thị trường chứng khoán. Mới đây, NH đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ chấp thuận cho phép bán 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là SCB đang đặt mục tiêu thu hút được tối thiểu 700 triệu USD.