Khi doanh nghiệp Việt tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn. Vinamilk đã triển khai các chu trình sản xuất xanh, theo nguyên tắc tuần hoàn, định hướng cho việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cho các hoạt động sản xuất và đã đạt được những kết quả quan trọng trong sản xuất - kinh doanh.
Được thành lập năm 1976, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, năm 2003, Vinamilk được thực hiện cổ phần hóa và được chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006. Công ty Vinamilk hiện nằm trong top 50 công ty sữa lớn nhất toàn cầu với vị trí thứ 36, cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong danh sách này.
Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vượt qua khó khăn do đại dịch, doanh thu năm 2020 của Vinamilk đạt gần 60.000 tỷ đồng.
Vinamilk hiện tự chủ vùng nguyên liệu với 13 trang trại bò sữa trong nước, đàn bò quản lý và khai thác sữa là 150.000 con. Kết hợp cùng với 13 nhà máy hiện đại, chuẩn quốc tế, Vinamilk đã xuất khẩu các sản phẩm sữa mang thương hiệu Việt Nam ra 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, vấn đề xử lý chất thải luôn đặt ra những thách thức với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp có quy mô rất lớn như Vinamilk. Tuy nhiên, phát triển theo hướng tuần hoàn đã trở thành một giải pháp mang lại lợi ích to lớn, không chỉ cho chính Công ty mà cho cả cộng đồng, xã hội.
Biến chất thải thành tài nguyên là một trong những nỗ lực triển khai kinh tế tuần hoàn của Vinamilk, nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu chất thải phát sinh, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường. Ở các trang trại của Vinamilk, chất thải chăn nuôi thông qua công nghệ thu gom, xử lý hiện đại và hệ thống Biogas được phân tách thành phân bón rắn, hoặc xử lý thành phân bón lỏng để bón đồng cỏvà phục vụ trồng cây cải tạo đất.
Một “sản phẩm” khác của quy trình này là khí Metan, có thể đun nóng nước lên đến 90 độ, được dùng để vệ sinh thiết bị của trang trại và thanh trùng sữa bê. Ở một lộ trình dài hơn, bằng cách hướng đến giảm thiểu các nhiên liệu hoá thạch, nguồn nhiên liệu tái tạo này góp phần làm giảm đáng kể lượng phát thải CO2, từ đó giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Vinamilk cũng đặt mục tiêu khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên đất, tối ưu hóa vòng tuần hoàn tái tạo đất trong chuỗi giá trị. Nguồn đất được quản lý, khai thác nhằm giữ lại tối đa giá trị và dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên thông qua các hoạt động như chăn nuôi hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào canh tác đất, luân canh cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn phân hữu cơ từ đàn bò.
Bên cạnh việc triển khai các chu trình sản xuất xanh, theo nguyên tắc tuần hoàn, Vinamilk đã định hướng cho việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cho các hoạt động sản xuất của mình. Trang trại Organic Đà Lạt là một trong những trang trại đầu tiên đã được Vinamilk triển khai lắp đặt thử nghiệm hệ thống năng lượng mặt trời. Đây là bước đầu trong việc triển khai mở rộng dự án năng lượng này trong hệ thống các trang trại trên toàn quốc.